Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

THAY KHO VUOT KHO


 Đau khổ là chất liệu làm nên cuộc sống. Không khổ sao được khi ý chí, nguyện vọng và mọi nỗ lực của con người trở nên bé nhỏ và bất lực trước sự chi phối của già, bệnh, chết và những điều trái ý nghịch lòng cứ tác động đến thân phận của một kiếp người. Điều quan trọng là ý thức rõ những bức bách, nặng nề, căng thẳng, bất an, hụt hẫng, thất vọng và chán nản, khi chạm mặt với già, bệnh, chết và những điều không như ý trong cuộc sống mà con người không thể can thiệp. Khi ấy, với người biết suy tư, tâm lý hụt hẫng, chông chênh, chấn động khởi lên trong tâm vì thấy kiếp người thật vô nghĩa. Tâm lý này được gọi là saṃvega

Sau khi thành tựu đạo quả, bằng kinh nghiệm bản thân, Đức Phật dốc tâm dạy cho các đệ tử phải biết quán chiếu những nỗi khổ của già, bệnh và chết mà con người đang gánh chịu, không có lối thoát, không có quyền chọn lựa. Khi biết rõ không thể thay đổi hiện tượng khách quan này, Đức Phật dạy chúng ta phải có sự thay đổi trong nhận thức và thái độ để giải thoát tâm ra khỏi sự ràng buộc, bức bách này. Tâm vững chãi, an tịnh trong thiền định có khả năng làm chủ tâm ý, làm chủ dòng cảm xúc để không bị các pháp bên ngoài chi phối, là cơ sở để tự cởi trói mà thuật ngữ nhà Phật gọi là “giải thoát”.
Tuy nhiên, mức độ dao động của tâm và khả năng kích thích tâm để có thể thấy ra vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề còn tùy thuộc vào mức độ nhận thức, giác ngộ và nỗ lực của mỗi cá nhân. Trong Tăng chi bộ kinh, Đức Phật mô tả về bốn hạng người với bốn mức độ cần thiết khiến tâm dao động và được kích hoạt để tìm đường vượt thoát khổ đau. Hạng người thứ nhất, chỉ nghe người khác bị bệnh, già hoặc chết, tâm người ấy đủ bị dao động và kích thích rồi. Hạng người thứ hai cần phải trực tiếp thấy tận mắt các hiện tướng ấy mới sợ hãi, tâm mới dao động và bị kích động. Hạng người thứ ba là khi người thân trải qua các cảnh già, bệnh và chết thì mới tỉnh ngộ, tâm dao động và bị kích động và hạng người thứ tư, khi chính bản thân họ trực tiếp trải nghiệm đau đớn, khổ sở của già, bệnh và cận kề cái chết thì mới hoảng hốt, tâm dao động và bị kích động (Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm XII, kinh số 113: Gậy thúc ngựa). Chỉ khi nào duyên bên ngoài tác động đủ mạnh để tâm thức bị kích động thì chúng ta mới có động cơ để tinh cần trên con đường hành trì giáo pháp, chuyển hóa nội tâm.
Thật ra, chúng ta không có đủ thời gian, năng lượng và cơ hội để đem thân mình ra trải nghiệm mọi thứ trên cuộc đời rồi mới có được bài học và để tâm thức được kích hoạt. Do đó, chúng ta cần rút kinh nghiệm thông qua sự trải nghiệm của người khác. Nếu chỉ cần thấy già, bệnh và chết là “những thiên sứ” (kinh Thiên sứ, Trung bộ kinh, số 130) mang thông điệp vô thường đến, ta dốc sức tinh cần, tinh tấn trên con đường tu tập thì sẽ được nhiều lợi ích và kết quả ngay trong hiện tại. Được như vậy, ta không phải làm những phép thử và trả giá đắt, không phải đi lòng vòng mà rút ngắn được thời gian. Rút thời gian rong rêu trong một kiếp cũng đồng nghĩa với việc rút ngắn vòng luân hồi sanh tử và đây là mục đích của mỗi người học pháp và hành pháp vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét