Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015
HOA TRONG VĂN CHƯƠNG
HOA TRONG VĂN CHƯƠNG I/ HOA NHƯ ĐIỂM THẨM MỸ ĐẶC SẮC Hoa lá, cỏ cây như gió mây, sông nước,… - các sinh thể tự nhiên, được coi là thiên nhiên. Thiên nhiên vốn là nguồn cảm hứng vô tận của văn chương nhất là ở phương Đông. Điều đó xuất phát từ cội nguồn tư tưởng, từ các quan niệm triết học. Con người có tình yêu với thiên nhiên trong ước muốn được hòa hợp để thanh lọc tâm hồn. Trong Cảm tưởng đọc Thiên gia thi (Nhật ký trong tù), chính Hồ Chí Minh đã chỉ ra một thực tế: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông” và yêu cầu một chất thép mới cách mạng trong thi ca thời đại. Thiên nhiên được xem như một biểu tượng cơ bản. Thi nhân xưa rất nặng lòng với thiên nhiên. Nguyễn Trãi coi thiên nhiên như bầu bạn, muốn hóa thân vào thiên nhiên. Thiền sư Viễn Giác có tâm hồn da diết: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”. Thơ mới với Đoàn Văn Cừ,Anh Thơ, Nguyễn Bính được coi như tiếp nối truyền thống phái thơ “điền viên” từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến trong không gian thơ lãng mạn mới. Trong văn xuôi hiện đại, thiên nhiên được thể hiện trong nhiều tác phẩm còn như mối quan hoài của con người với cảnh quan, môi trường sinh sống và sinh thái văn hóa: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp… *** Trước hết, hoa như một hình ảnh đầy gợi cảm trong cảnh sắc. Cũng như thiên nhiên, hoa và một hiện tượng lưỡng trị. Hoa là hoa, cũng là người. Hoa vừa là đối tượng miêu tả, vừa là đối tượng để ký thác. Thế giới hoa rất phong phú, gồm nhiều chủng loại. Tuy nhiên, có những nhóm và cá thể hoa được ưa chuộng cho cảm hứng sáng tác. Nhất là các loài hoa đại diện cho các mùa – xét theo thời gian, và vùng miền – xét về không gian, Có những loài hoa được nhiều thiện cảm, rất thân thiết, gần gũi trong đời sống, môi trường nơi thôn dã: “Trèo lên cây bưởi hái hoa” (ca dao), “Hoa chanh nở giữa vườn chanh” (Nguyễn Bính). Đôi khi, loài hoa có gốc gác suối nguồn trở thành đài các. Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi tên loài hoa ấy trong thơ: “Nhớ em ngà ngọc bên bờ suối/ Tôi gọi em là hoa Thủy Tiên”. Có những loài hoa trở nên linh thiêng vì hiện diện ở chốn trang nghiêm: “Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ/ Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau” (Hoa mẫu đơn – Hồ Dzếnh). Vườn Chủ tịch trong thơ Tố Hữu được miêu tả với nét vừa cao quý,thiêng liêng, vừa bình dị,thân thiết: “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa…Có rào dâm bụt đỏ hoa quê/ Như cổng nhà xưa Bác trở về” (Theo chân Bác – Tố Hữu). Nhiều trường hợp hoa lá cũng được nhà thơ đặt trong cảnh hoành tráng.Hoa chuối thắp sáng ngọn lửa núi rừng: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”,hoa mơ lại tỏa trắng không gian vời vợi: “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”… Hoa có thực trên đời, nhưng nhiều khi được miêu tả như hoài niệm một thời. Bằng lăng quyến luyến không thôi trong ký ức nhà thơ nữ: “Góc phố nhỏ bằng lăng đã nở/ Tím ngát một chiều, nắng hạ vấn vương” (Bùi Kim Anh). Tâm hồn Nguyễn Nhật Ánh trĩu nặng kỷ niệm về Hoa Khế khi nhớ Cánh chim em ngày nào: “Lòng tôi hoa khế rụng/ Xuống nỗi buồn nôn nao”. Có quy ước, cảm nhận xã hội về ngôn ngữ hoa, tính cách hoa, cảm xúc về hoa, các nhà thơ tập trung vào hoa như điểm mỹ cảmnổi bật, đặc biệt là trong tình yêu. Nhóm các hoa màu trắng – huệ, lan, quỳnh,… thể hiện tình cảm trong trắng, tinh khiết. Nhóm hoa màu hồng đến đỏ - đào, hồng, phượng vĩ, lộc vừng,… thể hiện sự sôi nổi, nồng nàn, thắm thiết,… Còn các màu xanh, tím có độ nhạt đến thắm như lưu ly, tigôn, bằng lăng…lại gợi cảm xúc thương nhớ, buồn sầu man mác. Hoa sen, hoa cúc thường thu hút cảm hứng của nhiều nhà thơ cũng như nhà văn. II/ HOA VỚI TÂM HỒN VÀ PHONG CÁCH THƠ, VĂN Mỗi cây viết, có sự chú tâm nhất định, thể hiện trong sáng tác những loài hoa yêu thích. Thường các nhà văn miêu tả hoa trong toàn cảnh thiên nhiên. Đó là những mùa hoa trong khung cảnh rộng lớn, khoáng đạt – Mùa hoa cải bên sông (Nguyễn Quang Thiều), Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng (Nguyên Ngọc), Hoa lan trắng trời Đà Lạt (Khuất Việt Trường)... Các nhà thơ, ngoài con mắt bao quát toàn cảnh, lại thường nhìn kỹ thậm chí các chùm hoa, bông hoa, thể hiện ít hoặc nhiều, đậm hay nhạt hình ảnh hoa trên trang viết. Nguyễn Duy có chùm Hoa dọc đường xa. Người thơ bình dị mà sâu sắc. Có sự phát hiện Hoa phong lan như “Từng chùm nhan sắc đẹp tươi lạ thường”… “từ trời buông xuống”. Đó còn là cái đẹp tự nhiên gợi nhiều man mác, bâng khuâng tâm hồn như cái “im lặng trắng không tên” của Hoa dại, cái “hắt hiu bông lau” bạc phơ phất qua Hoa lau. Duyên dáng và hóm hỉnh là cảm nhận một hiện thực như phi lý về Hoa gạo, Hoa lúa: “Em có nhiều hoa người ta tặng… Thứ hoa quý nhất trên đời ấy/Thì chả ai đem mà tặng nhau. Người con gáikhát khao yêu Xuân Quỳnh có nhiều cảm thông giao lưu với hoa. Qua hoa, nữ sĩ thể hiện những tâm tình yêu đương nhiều trạng thái – thực và hư, trần thế và lãng mạn,Hoa tường vi bâng khuâng, phiêu lãng::Hoa tường vi như thực, lại như mơ/Hoa tường vi của những ngày xưaCó lúc nhà thơnhư thảng thốt: “Hoa cúc xanh có hay là không có” (Hoa cúc xanh). Chẳng khác nào Chế Lan Viên bỗng ngỡ ngàng“Hỏi: Hoa súng hồng! Hoa súng hồng! Mày có phải hoa không?”. Xuân Quỳnh cảm thụ như Nguyễn Duy, cũng làm thơ về hoa dại trên núi. Nữ sĩ cũng là người biết trân trọng, chắt chiu cái đẹp trên đời cho con người . Có lẽ, Chế Lan Viên là quán quân trong việc làm thơ về hoa. Từ đầu đời cho đến lúc ra đi, Di cảo thơ còn ghi lại: Hoa sữa, Sen hồ, Hương hoa nhài, Hoa giấy, Hoa chạc chìu, Hoa cúc vàng ở Dusseldorf, Các mùa hoa, Sắc mai cười, Hoa dẻ vàng, Chiều xuân, Không có mùa xuân, Hoa súng, Hái hoa, Hoa hải âu, Hoa đỏ màu yên chi (Tập I, II). Đến tập III vẫn còn hoa: Hương đêm, Sen (1), Sen (2), Lau (2), Mỗi lần hoa, Hương sen, Hoa nở, Hoa quỳnh, Hoa trắng, Hồng vàng, Đẳng cấp hoa, Hoa và rễ, Hoa lau,… Làm thơ về hoa để nói lên tình yêu, từ lúc trẻ - Tình ca ban mai, đến lúc đã luống tuổi – Hoa trắng đỏ. Làm thơ về hoa để nói về cuộc sống, tình người, cũng là để nói về tình đời, nói về chính trị, triết lý qua hoa. Phong cách chính luận, triết luận cũng nổi bật trong hành trình sáng tác thơ về hoa. Hoa trắng đỏ là thơ tình say đắm, thấm đẫm triết lý. Thống nhất biện chứng trong biểu hiện như đối nghịch trong lòng và ngoài đời, nội tâm và ngoại cảnh. Tặng “hoa sắc trắng”nhưng yêu “đỏ hoa hồng”, lòng“yêu như lửa đỏ”, vẻ bên ngoài “vẫn cứ trắng như không”. Rất nhiều lần, ông làm thơ về một loài hoa: Hoa mai, Hoa đào, Hoa lau,… Nhưng trong đó có cả hoa thật và hoa biểu tượng: Senvà Sen hư tưởng, chuyển Cành đào Nguyễn Huệ khác với “Cầm cành đào chân lý”. Với Tố Hữu, theo thiên hướng khái quát, thường nhìn hoa lá, hoa trái trong cảnh chung. Từ ấy (1938) ví tâm hồn nhà thơ là một “vườn hoa lá”. Gần cuối đời nó đã xum xuê hoa trái nơi Vườn nhà (1987). Với nét phong cách sử thi, hoa thường được đặt vào vườn tược, đồng bãi, núi rừng. Hoa mơ rất tiêu biểu cho bút pháp này:từ hoa mơ cánh đồng Mường Thanh lan ra các cánh rừng Việt Bắc… Hoa nhiều khi được dùng theo nghĩa bóng, nghĩa biểu tượng. “Hoa Việt Nam. Hoa bốn mùa mưa nắng”nói lên sức sống đất nước. “Ước gì mang ít hoa xuân sớm”: hoa lửa – sức mạnh chiến đấu, chiến thắng.Máu và hoa rất tượng trưng. Văn và thơ có cách nói khác nhau, do đó đem lại những cảm thụ riêng. Chế Lan Viên qua Hoa gạo son (Đối thoại mới) thấy như “Người tình nhìn đỏ chói môi hôn” và cảm nhận được ngọn lửa tình yêu: “Chiều tối màu son đỏ chói hồn”.Hoa gạo đỏMa Văn Kháng lại gợi một cảm giác hào hùng khi dẫn tới một cảnh quan hoành tráng: “Khắp đất nước, không ở đâu hoa gạo có màu đẹp tuyệt như ở đây… Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hóa, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp… đến mùa xuân này…điểm hoa bừng sáng cả một vùng trời miền biên viễn này.”. Cũng vậy, hoa mai trong sân nhà ngày xuân của thơ Thiền xưa (Xuân cảnh) khác hẳn cây mai trong Mường Giơn của Tô Hoài: “Cây mai trắng tinh khôi trên sườn núi kia như biết đứng yên. Nó như cái cây đứng yên để tang bố mẹ. Cánh hoa là nước mắt, nước mắt bảo người sống báo thù cho nó”.. Người đi tìm cái đẹp trên đời – Nguyễn Tuân cũng đã từng nói về hoa với tất cả mỹ cảm nghệ thuật. Tờ hoa là thiên tùy bút trữ tình đặc sắc, để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn độc giả: “Làng hoa (1956), Trang hoa (1962), Tờ hoa (1966) là ba giọt mật đặc sánh và tỏa hương ngất ngây, được chưng cất từ làng đào Nhật Tân, Quảng Bá, …và từ một công trình làm đường nào đó ở miền Tây Tổ quốc đầy ong, đầy bướm với bạt ngàn hoa, quả …nhà văn như con ong cần cù ăn hoa nhả mật”. (Tờ hoa ngời ánh tài hoa,Đường Vân). Vậy là, chúng ta thấy được tâm hồn tài trí, nghệ thuật văn thơ qua mỹ cảm về hoa. Đó là thấy hoa qua người, cũng là thấy người qua hoa. *** Đời thay đổi, hoa biến hóa. Hoa thời nay không chỉ là phẩm vật của tạo hóa mà còn là sản phẩm nhân tạo qua công nghệ sinh học phân tử hiện đại. Từ vườn hoa, ta có thành phố hoa. Đà Lạt được mệnh danh là “Thành phố của ngàn hoa”. Ở đây hội tụ nhiều loài hoa, trong đó có hoa xứ lạnh và cả xứ nóng Châu Phi. Cũng chính tại đây, hoa đi khắp bốn phương trời – Âu, Á, Mỹ, Úc…Đôi khi, cần thiết, hoa “bay” cực nhanh nhờ điện hoa quốc tế mà Việt Nam là một hội viên. Hoa trở thành sản phẩm du lịch, sản phẩm kinh tế và văn hóa. Hoa mang sắc, hương mới và vì thế, có tâm hồn mới,vẻ đẹp mới,giá trị mới. Hoa đã và đang vẫy gọi sự khám phá của những tâm hồn tài hoa văn thơ, nghệ thuật.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét