Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

HOC DAI HOC DE LAM GI

Môi trường đại học? ĐH không chỉ là nơi đào tạo nghề nghiệp, không phải chỉ là một loại trường dạy nghề cấp cao mà nó là biên giới của kiến thức, trong đó thầy và trò có nhiệm vụ... cùng nhau mở rộng “biên giới” ấy để đóng góp vào kiến thức chung của nhân loại. Đến trường ĐH không phải để được đào tạo thành một người làm công, làm thuê hay một chuyên gia, mà ĐH là trung tâm nghiên cứu, một cơ sở chuyên môn hướng dẫn, phục vụ các hoạt động xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hóa của đất nước... Khi quan niệm đúng về chức năng của ĐH mới có thể đặt vấn đề “SV là ai?”. SV học không chỉ để thu nhận kiến thức, học không chỉ để biết đúng như Vũ Duy Thức đã viết trên diễn đàn ngày 9-1-2004. Nếu chỉ là học, thi và lấy bằng thì rõ ràng SV chưa biết ĐH là gì và bản thân mình là ai. Vấn đề của cái học ngày nay không phải chỉ là thu nhận kiến thức có sẵn từ bên ngoài mà phải biết tìm tòi, vận dụng, triển khai kiến thức, khám phá và sáng tạo những điều mới. Ở ĐH, thầy và trò không phải như chủ và tớ mà họ đều là những thành viên của ban giảng huấn, cùng “cộng học” (chữ của Khổng Tử), tức học chung với nhau, vì bất cứ ai - kể cả người thầy, bất cứ lúc nào - kể cả lúc đầu bạc răng long - cũng đều phải học và có cái để mà học cả. Ý thức được nhiệm vụ của mình, SV mới hiểu rằng mình không phải là học trò cấp IV - một thực trạng mà Trương Lê đề cập (8-1-2004). SV sẽ nhận thức được rằng việc tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi kiến thức bằng tất cả phương tiện mà mình có là một nhu cầu của bản thân, do ý chí tự nguyện của mình chứ chẳng cần ai bắt buộc... hay đòi hỏi, cũng chẳng phải để thỏa mãn yêu cầu của người khác. Tự mình phải kiếm lấy những phương tiện và điều kiện để học tập, tự mình tạo ra những cơ hội để tiến thân, không than vãn vì hoàn cảnh, không đổ lỗi cho môi trường. Huống chi với những phương tiện thông tin hiện đại, những điều kiện giúp ta tìm kiếm, xử lý thông tin, trau dồi và vận dụng kiến thức không phải là hiếm hoi. Điều quan trọng đối với SV là tinh thần vượt khó. Không có một người thành đạt nào hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh để tiến lên cả, cũng không có ai thành công mà không trải qua nhiều thất bại. Hiểu được như vậy người SV mới nhận thức được giá trị của bản thân mình; mới biết rõ mình là ai và vị trí của mình trong cộng đồng ĐH; mới không bị mặc cảm, tự tôn hay tự ti, không còn có ý tưởng ỷ lại vào bất cứ ai, dù là gia đình, cha mẹ hay thầy giáo, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay môi trường... Học để tồn tại Các SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM trong giờ thí nghiệm hóa vô cơ - Ảnh: Q.Linh Người SV cũng còn phải đặt câu hỏi: Khi ra đời, mình sẽ là ai? Phải có ước vọng (chứ không phải ảo vọng), như những trường hợp “theo đuổi mục đích” mà Đinh Ngọc Quỳnh Như trình bày (29-12-2003). Nhưng đừng đặt ước vọng quá cao so với khả năng và hoàn cảnh mà mình có. Cố nhiên người SV có thể đặt tham vọng trở thành một vị tổng thống, một vị lãnh tụ, một nhà khoa học, nhà kinh doanh thành đạt... nhưng trước hết cần phải đặt câu hỏi: Những ước vọng ấy đòi hỏi ở ta những điều kiện gì, ta phải làm gì trong hiện tại và tiến từng bước như thế nào trong tương lai? Quan trọng hơn nữa là phải cố gắng tìm hiểu và suy nghĩ về sự phát triển của xã hội mình đang sống và dự kiến nhu cầu của đất nước mình trong thế kỷ mới. Xã hội tương lai chắc chắn không thích hợp với những người chỉ có bằng cấp mà không có thực tài. Cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin ngày nay đang và sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách học, cách suy nghĩ và cách làm. Ta không thể lôi sách vở cũ ra ứng dụng ở đời nữa mà phải khai thác, tìm tòi, vận dụng thông tin để trau dồi kiến thức và kỹ năng mới, nhằm giải quyết những vấn đề mới đặt ra do những biến động và bất trắc, đặc trưng của nền kinh tế thị trường. Kinh tế tri thức toàn cầu đòi hỏi người ta phải học suốt đời. Không phải học để có bằng cấp mà phải học để tồn tại, để theo kịp những tiến bộ của thế giới, để đáp ứng với những sự thay đổi trong khoa học và kỹ thuật sản xuất do sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Đạo đức quyết định sự thành bại Nhưng trong thế kỷ 21, các “kiến thức và kỹ năng chiến lược”, như nói ở trên, chưa đủ để giúp con người thành công nếu ta quên đi một yếu tố căn bản, có vẻ xưa cũ nhưng tối cần thiết trong cuộc sống hiện đại, đó là vấn đề đạo đức. Yếu tố này rất lớn và rất quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi con người trong cuộc sống, nhưng trong thực tế lại là vấn đề mà cả trường học lẫn SV của ta ngày nay dường như ít quan tâm đến. Ta không thể nào không nhắc đến hai thứ “đạo đức công cụ” cần thiết vào mọi thời đại, cho mọi ngành nghề, đó là tính trung thực và lòng can đảm. Có trung thực với bản thân mới có thể trung thực với đất nước. Có can đảm mới có khả năng đổi mới và tự đổi mới. Nhờ nó ta mới không mặc cảm, vượt qua những khó khăn, dám làm những điều mình cho là phải, đấu tranh những điều cho là trái, xóa bỏ lề thói xưa cũ, lạc hậu để tiếp thu cái mới. Hai đức tính căn bản ấy có mối liên hệ mật thiết với nhau: trung thực chính là tính can đảm của trí tuệ và can đảm là tính trung thực của ý chí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét