Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

LICH SU KINH TE MY

Nền kinh tế Mỹ hiện đại có nguồn gốc từ cuộc tìm kiếm lợi ích kinh tế của những người định cư châu Âu vào thế kỷ XVI, XVII và XVIII. Sau đó, Tân thế giới đã phát triển từ một nền kinh tế thuộc địa có ít thành công thành một nền kinh tế trang trại nhỏ độc lập, và cuối cùng là một nền kinh tế công nghiệp liên hợp cao. Trong quá trình tiến hóa này, Hoa Kỳ đã xây dựng nhiều hơn bao giờ hết các thể chế phức tạp để phù hợp với sự phát triển của mình. Và trong khi sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế còn là chủ đề muôn thủơ, thì quy mô của sự can thiệp đó nói chung cũng tăng lên. Những người dân đầu tiên của Bắc Mỹ là người Mỹ bản địa - những người thổ dân được cho là đã đến đây định cư từ khoảng 20.000 năm trước qua dải đất nối với châu Á, ngày nay gọi là eo biển Bering. (Họ bị những nhà thám hiểm châu Âu gọi nhầm là “người ấn Độ” (Indians) vì nghĩ rằng đã đến được ấn Độ khi lần đầu tiên đặt chân lên châu Mỹ). Những người bản địa này được tổ chức theo các bộ tộc, và trong một số trường hợp theo liên minh các bộ tộc. Họ chỉ buôn bán trao đổi với nhau, nên trước khi người định cư châu Âu tới đây, họ có rất ít mối liên hệ với các dân tộc thuộc lục địa khác, ngay cả với người bản địa khác ở Nam Mỹ. Các hệ thống kinh tế họ từng xây dựng nên đã bị phá hủy bởi người châu Âu đến định cư trên đất đai của họ. Người Viking là những người châu Âu đầu tiên “khám phá” ra châu Mỹ. Nhưng sự kiện này, xảy ra vào khoảng năm 1000, bị rơi vào quên lãng; vào thời gian đó, phần lớn xã hội châu Âu vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp và sở hữu đất đai. Thương nghiệp vẫn chưa có tầm quan trọng để có thể tạo ra động lực cho việc thám hiểm sâu hơn và định cư trên Bắc Mỹ. Vào năm 1492, Christopher Columbus, một người Italia dẫn đầu đoàn thuyền của Tây Ban Nha đã lên đường để tìm một tuyến đường phía tây nam sang châu Á và đã khám phá ra một “Tân thế giới”. Trong 100 năm tiếp theo, các nhà thám hiểm người Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Pháp từ châu Âu đến Tân thế giới để tìm kiếm vàng, sự giàu có, danh vọng và vinh quang. Nhưng vùng Bắc Mỹ hoang dã đã mang lại cho các nhà thám hiểm đầu tiên này rất ít vinh quang và vàng bạc, nên hầu hết họ không ở lại. Những người thực sự đến định cư ở Bắc Mỹ tới đây muộn hơn. Năm 1607, một nhóm người Anh đã xây dựng nơi định cư lâu dài đầu tiên ở vùng đất sau này trở thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nơi định cư này, Jamestown, ngày nay thuộc bang Virginia. Sự thuộc địa hóa Những người định cư đầu tiên có nhiều lý do khác nhau để tìm kiếm một quê hương mới. Người hành hương định cư tại Massachusetts là những người Anh ngoan đạo, có kỷ cương muốn thoát khỏi sự ngược đãi tôn giáo. Các bang thuộc địa khác, chẳng hạn như Virginia, được thành lập chủ yếu dựa trên các hoạt động kinh doanh. Nhưng dù sao, lòng ngoan đạo và lợi ích thường đi đôi với nhau. Thành công của nước Anh trong việc thuộc địa hóa vùng đất sau này trở thành nước Mỹ phần lớn là do nó sử dụng các công ty buôn bán có đặc quyền do hoàng gia quy định. Các công ty có đặc quyền là những nhóm cổ đông (thường là các thương nhân và các chủ đất giàu có) tìm kiếm các lợi ích kinh tế cá nhân và có thể họ cũng muốn thúc đẩy các mục tiêu quốc gia của nước Anh. Trong khi khu vực tư nhân cấp tài chính cho các công ty này, thì nhà vua ban cho mỗi dự án một đặc quyền hay sự thừa nhận các quyền lợi về kinh tế cũng như sự ủy quyền về chính trị và pháp lý. Tuy nhiên, các bang thuộc địa nhìn chung không tạo ra lợi nhuận nhanh chóng, và các nhà đầu tư người Anh thường chuyển giao các đặc quyền thuộc địa của họ cho những người định cư. Mặc dù không được nhận thức ngay lúc đó, nhưng ý nghĩa chính trị của việc làm này rất to lớn. Những người thuộc địa được tuỳ ý xây dựng cuộc sống riêng, cộng đồng riêng và nền kinh tế riêng của mình - thực tế là bắt đầu xây dựng các cơ sở nền tảng của một quốc gia mới. Sự thịnh vượng ban đầu ở thuộc địa là do săn bắt và buôn bán lông thú. Thêm nữa, đánh bắt cá là nguồn của cải chủ yếu ở Massachusetts. Nhưng trên khắp các bang thuộc địa, dân chúng cơ bản sống nhờ vào các trang trại nhỏ và tự cung tự cấp. Ở vài thành phố nhỏ và trong các đồn điền lớn thuộc Bắc Carolina, Nam Carolina và Virginia, một số nhu yếu phẩm và hầu như toàn bộ hàng hóa xa xỉ được nhập khẩu, đồng thời những nơi này xuất đi thuốc lá, gạo và thuốc nhuộm. Các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển khi thuộc địa lớn mạnh dần. Hàng loạt nhà máy cưa và nhà máy xay bột xuất hiện. Những người định cư thành lập xưởng đóng tàu để xây dựng các đội tàu đánh cá và cả các tàu buôn. Họ cũng xây dựng các xưởng rèn sắt. Đến thế kỷ XVIII, các mô hình phát triển theo khu vực đã trở nên rõ ràng: các bang thuộc địa New England dựa vào ngành đóng tàu và đi biển để làm giàu; các đồn điền (nhiều nơi sử dụng lao động nô lệ) ở Maryland, Virginia và Carolina trồng thuốc lá, gạo, thuốc nhuộm; các bang thuộc địa miền trung như New York, Pennsylvania, New Jersey và Delaware xuất khẩu nông phẩm và lông thú. Trừ những người nô lệ, mức sống ở đây tương đối cao - thực tế là cao hơn cả ở chính nước Anh. Do các nhà đầu tư Anh rút đi nên địa bàn được mở rộng cho các nhà kinh doanh là người định cư ở thuộc địa. Tới năm 1770, các thuộc địa Bắc Mỹ đã chín muồi cả về kinh tế lẫn chính trị để trở thành một phần của phong trào giành quyền tự trị đang nổi lên, phong trào chi phối nền chính trị nước Anh từ thời James I (1603-1625). Những cuộc tranh chấp với nước Anh về thuế khóa và các vấn đề khác gia tăng; người Mỹ hy vọng có những thay đổi về mức thuế của nước Anh cũng như những điều chỉnh đáp ứng yêu cầu của họ về quyền tự trị lớn hơn. Hầu như không ai nghĩ rằng căng thẳng nổi lên với chính quyền Anh có thể dẫn đến bùng nổ chiến tranh chống lại Anh và giành độc lập cho các thuộc địa. Cũng giống như sự rối loạn chính trị ở Anh vào thế kỷ XVII và XVIII, cuộc Cách mạng Mỹ (1775-1783) mang cả tính chính trị lẫn kinh tế; nó được cổ vũ bởi một tầng lớp trung lưu đang nổi lên, tập hợp dưới khẩu hiệu “các quyền tất yếu và bất khả xâm phạm về cuộc sống, tự do và sở hữu tài sản” - một cụm từ trích trong cuốn Tham luận thứ hai về chính quyền dân sự (Second Treatise on Civil Government) (1690) của triết gia người Anh John Locke. Chiến tranh được châm ngòi bởi một sự kiện vào tháng Tư 1775. Binh lính Anh, trong khi định tịch thu một kho vũ khí của quân đội thuộc địa ở Concord, bang Massachusetts, đã va chạm với lực lượng dân quân tự vệ thuộc địa. Một người - không biết chính xác là ai - bắn một phát súng, và cuộc chiến kéo dài tám năm bắt đầu. Trong khi việc ly khai chính trị khỏi nước Anh có thể không phải là mục tiêu chính ban đầu của người dân thuộc địa, thì nền độc lập và sự hình thành một quốc gia mới - Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - lại là kết quả cuối cùng. Nền kinh tế của quốc gia mới Hiến pháp Hoa Kỳ, được thông qua năm 1787 và có hiệu lực cho đến ngày nay, là một thành quả sáng tạo trên nhiều phương diện. Như một hiến chương về kinh tế, nó thiết lập trên quốc gia toàn vẹn này - trải dài từ Maine cho đến Georgia, từ Đại Tây Dương cho đến thung lũng Mississippi - một thị trường thống nhất hay thị trường “chung”. Không có thuế quan hoặc các loại thuế khác trong buôn bán giữa các bang. Hiến pháp quy định chính phủ liên bang có thể điều chỉnh thương mại với nước ngoài và giữa các bang, xây dựng luật phá sản thống nhất, in tiền và điều chỉnh giá trị của nó, cố định các loại tiêu chuẩn về cân và đo lường, xây dựng các trạm bưu điện và đường giao thông, xây dựng các đạo luật về quản lý bằng sáng chế và bản quyền tác giả. Điều khoản cuối cùng này là sự thừa nhận rất sớm tầm quan trọng của “sở hữu trí tuệ”, một vấn đề được coi là rất quan trọng trong thương lượng buôn bán cuối thế kỷ XX. Alexander Hamilton, một trong những Nhà lập quốc và là Bộ trưởng Tài chính đầu tiên, ủng hộ một chiến lược phát triển kinh tế trong đó chính phủ liên bang cần phải nuôi dưỡng những ngành công nghiệp non trẻ bằng việc cung cấp các khoản hỗ trợ công khai và đánh thuế bảo hộ vào hàng nhập khẩu. Ông cũng đề xuất với chính phủ liên bang thành lập ngân hàng quốc gia và gánh vác các khoản nợ công cộng mà các bang thuộc địa đã vay trong cuộc Chiến tranh cách mạng. Chính phủ mới lần lữa đối với một số đề nghị của Hamilton, nhưng cuối cùng đã chấp nhận thuế quan là một phần cơ bản của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ - một quan điểm kéo dài đến tận giữa thế kỷ XX. Mặc dù ban đầu người nông dân Mỹ sợ rằng ngân hàng quốc gia sẽ phục vụ người giàu bằng phí tổn của người nghèo, nhưng Ngân hàng quốc gia Hoa Kỳ đầu tiên vẫn được sáng lập vào năm 1791; nó tồn tại cho đến năm 1811, sau đó một ngân hàng kế vị khác được thành lập. Hamilton tin rằng Hoa Kỳ có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động đa dạng của ngành tàu biển, ngành công nghiệp chế tạo và hoạt động ngân hàng. Đối thủ chính trị của Hamilton, Thomas Jefferson, đã đưa ra triết lý của mình dựa trên việc bảo vệ người dân bình thường khỏi sự chuyên chế về chính trị và kinh tế. Ông đặc biệt ca ngợi người tiểu nông như là “các công dân có giá trị nhất”. Đến năm 1801, Jefferson trở thành Tổng thống Hoa Kỳ (1801-1809) và thúc đẩy một nền dân chủ nông nghiệp phi tập trung hóa mạnh mẽ. Phong trào hướng về miền Nam và miền Tây Cây bông ban đầu chỉ là một cây trồng có quy mô nhỏ ở miền Nam, nhưng nó đã phát triển hết sức mạnh mẽ sau khi có sáng chế về máy tách hạt bông của Eli Whitney vào năm 1793. Đây là một loại máy tách sợi bông thô ra khỏi hạt và phế thải khác. Các chủ đồn điền ở miền Nam đã mua lại đất của tiểu nông, những người thường có xu hướng di chuyển xa hơn về phía tây. Chẳng bao lâu sau, các đồn điền lớn với lao động là nô lệ đã làm cho một số gia đình trở nên rất giàu có. Tuy nhiên, không chỉ có những người miền Nam di cư sang miền Tây. Đôi khi, toàn bộ các làng ở miền Đông rời bỏ nơi đang sinh sống sang định cư ở những vùng đất màu mỡ hơn thuộc vùng Trung Tây. Trong khi người định cư miền Tây được mô tả là những người cực kỳ độc lập và phản đối kịch liệt bất cứ một hình thức kiểm soát hoặc can thiệp nào của chính phủ, trên thực tế họ thường nhận được rất nhiều sự hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp của chính phủ. Các tuyến đường quốc lộ và đường thủy quốc gia do chính phủ xây dựng, chẳng hạn như xa lộ Cumberland Pike (1818) và kênh đào Erie Canal (1825) đã giúp người mới di cư sang định cư ở miền Tây và sau đó giúp vận chuyển nông sản từ miền Tây ra thị trường. Nhiều người Mỹ, cả giàu lẫn nghèo, đã lý tưởng hóa Andrew Jackson, người trở thành Tổng thống vào năm 1829, bởi vì ông từng bắt đầu cuộc sống trong một túp lều gỗ ở vùng biên giới. Tổng thống Jackson (1829-1837) đã phản đối ngân hàng kế vị từ Ngân hàng quốc gia của Hamilton, bởi ông tin rằng nó ủng hộ những quyền lợi cố hữu của miền Đông chống lại miền Tây. Khi được bầu lại nhiệm kỳ thứ hai, ông đã phản đối việc gia hạn điều lệ hoạt động của ngân hàng này, và quốc hội ủng hộ ông. Những hành động này làm lay chuyển lòng tin vào hệ thống tài chính quốc gia, và sự hoảng loạn trong kinh doanh đã xuất hiện vào năm 1834 và 1837. Những trục trặc về kinh tế theo chu kỳ đã không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Mỹ trong suốt thế kỷ XIX. Các phát minh mới và việc đầu tư vốn dẫn đến sự hình thành những ngành công nghiệp mới và tăng trưởng kinh tế. Khi mạng lưới giao thông được cải thiện, nhiều thị trường mới tiếp tục được mở ra. Tàu thuyền chạy bằng hơi nước làm cho giao thông trên sông nhanh hơn và rẻ hơn, nhưng sự phát triển đường sắt thậm chí còn có tác động lớn hơn, nó mở ra con đường phát triển cho rất nhiều vùng lãnh thổ mới. Cũng giống như các kênh đào và đường bộ, hệ thống đường sắt nhận được sự hỗ trợ rất lớn của chính phủ trong những năm đầu xây dựng dưới hình thức tài trợ bằng đất đai. Nhưng không giống như các hình thức giao thông khác, ngành đường sắt lại thu hút khá nhiều đầu tư tư nhân cả trong nước và châu Âu. Trong những ngày sôi động này, có rất nhiều hoạt động làm giàu nhanh chóng. Những nhà vận động tài chính phất lên chỉ sau một đêm, nhưng cũng có rất nhiều người bị mất khoản tiền tiết kiệm của mình. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa khả năng trong tương lai và đầu tư nước ngoài, cùng với việc khám phá ra vàng và một cam kết chủ yếu về quyền làm giàu tư nhân và cộng đồng của Mỹ, đã cho phép quốc gia này phát triển hệ thống đường sắt với quy mô lớn, thiết lập cơ sở hạ tầng cho công nghiệp hóa đất nước. Sự tăng trưởng công nghiệp Cách mạng công nghiệp bắt đầu ở châu Âu vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, và đã nhanh chóng lan sang nước Mỹ. Năm 1860, khi Abraham Lincoln được bầu làm tổng thống, 16% dân số nước Mỹ sống ở đô thị, và một phần ba thu nhập quốc dân là từ ngành công nghiệp chế tạo. Nền công nghiệp được đô thị hóa ban đầu chỉ giới hạn ở vùng Đông Bắc; sản xuất vải bông là ngành công nghiệp hàng đầu, tiếp đến là các ngành sản xuất giầy, vải len và chế tạo máy cũng được mở rộng. Nhiều công nhân mới là người nhập cư. Từ năm 1845 đến 1855, mỗi năm có gần 300.000 người nhập cư châu Âu đến đây. Hầu hết họ là người nghèo và ở lại các thành phố miền Đông, thường là tại các cảng nơi họ đến. Ngược lại, miền Nam vẫn là vùng nông thôn và phụ thuộc vào vốn đầu tư và hàng hóa sản xuất từ miền Bắc. Lợi ích kinh tế của miền Nam, kể cả sự chiếm hữu nô lệ, chỉ có thể được các thế lực chính trị bảo vệ khi người miền Nam kiểm soát chính phủ liên bang. Đảng Cộng hoà, được thành lập năm 1856, đại diện cho miền Bắc công nghiệp hoá. Năm 1860, các đảng viên Cộng hòa và ứng cử viên tổng thống của họ, Abraham Lincoln, đã không tỏ rõ thái độ đối với vấn đề chế độ nô lệ, nhưng họ lại dứt khoát hơn nhiều trong các chính sách kinh tế. Năm 1861, họ đã thành công trong việc thúc đẩy thông qua chính sách thuế quan bảo hộ. Năm 1862, tuyến đường sắt Thái Bình Dương đầu tiên được thiết kế. Năm 1863 và 1864, bộ luật về ngân hàng quốc gia được dự thảo. Tuy nhiên, thắng lợi của miền Bắc trong cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865) đã đặt dấu ấn cho vận mệnh quốc gia và hệ thống kinh tế của nó. Chế độ lao động nô lệ bị xóa bỏ, làm cho các đồn điền lớn trồng bông ở miền Nam không còn mấy lợi nhuận. Nền công nghiệp ở miền Bắc, vốn dĩ đã phát triển rất nhanh do nhu cầu của chiến tranh, nay nổi lên dẫn đầu. Các nhà công nghiệp trở thành người chi phối nhiều lĩnh vực của đời sống quốc gia, bao gồm cả các hoạt động chính trị và xã hội. Chế độ quí tộc của các điền chủ miền Nam, mà 70 năm sau được mô tả lại rất truyền cảm trong bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió (Gone With the Wind), đã biến mất. Các phát minh, sự phát triển, và các trùm tư bản Sự phát triển kinh tế nhanh chóng sau cuộc Nội chiến đã đặt nền móng cho nền kinh tế công nghiệp hiện đại Hoa Kỳ. Sự bùng nổ các phát minh và sáng chế mới xuất hiện, gây ra những biến đổi sâu sắc đến mức một số người đã gọi các thành quả này là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai”. Dầu mỏ được khám phá ở phía tây Pennsylvania. Máy chữ được phát triển. Toa xe lửa có máy lạnh được đưa vào sử dụng. Điện thoại, máy hát và đèn điện được phát minh. Tới đầu thế kỷ XX, ô tô thay thế cho xe kéo và con người có thể bay bằng máy bay. Song song với những thành quả đó là sự phát triển hạ tầng cơ sở công nghiệp quốc gia. Than đá được phát hiện với trữ lượng lớn ở dãy núi Appalachian chạy từ phía nam Pennsylvania cho đến Kentucky. Các mỏ sắt lớn được khai thác ở vùng Thượng Hồ (Lake Superior) thuộc phía trên của miền Trung Tây. Các nhà máy phát triển mạnh tại những nơi mà hai loại nguyên liệu thô quan trọng trên có thể cùng được đưa vào để sản xuất ra thép. Các mỏ đồng và bạc, tiếp đến là các mỏ chì và nhà máy xi măng, cũng được mở ra. Khi ngành công nghiệp phát triển mạnh lên, thì kèm theo nó là các phương pháp sản xuất hàng loạt ra đời. Frederick W. Taylor là người đi đầu trong lĩnh vực quản lý khoa học vào cuối thế kỷ XIX; ông đã chia nhỏ chức năng của những công nhân khác nhau và trang bị những phương pháp mới hiệu quả hơn để họ thực hiện công việc của mình. (Phương pháp sản xuất hàng loạt thực sự là sáng kiến của Henry Ford; năm 1913 ông đã đưa các dây chuyền lắp ráp vào hoạt động, mỗi công nhân chỉ thực hiện một nhiệm vụ đơn giản trong dây chuyền sản xuất ô tô. Với một hành động được xem là biết nhìn xa, ông trả một mức lương rất hào phóng - 5 USD một ngày - cho công nhân của mình, tạo điều kiện cho nhiều người mua ô tô do mình sản xuất ra, giúp ngành công nghiệp này phát triển). “Thời kỳ vàng son” của nửa sau thế kỷ XIX là kỷ nguyên của các trùm tư bản. Nhiều người Mỹ đã lý tưởng hóa những nhà kinh doanh trùm tài phiệt rất giàu có này. Thường thường, thành công của họ là do nắm bắt được tiềm năng rộng lớn trong dài hạn của một sản phẩm hoặc dịch vụ mới, chẳng hạn như John D. Rockefeller đã làm với dầu mỏ. Họ là những nhà cạnh tranh mãnh liệt, chỉ có mục đích duy nhất là theo đuổi thành công và quyền lực về tài chính. Những người khổng lồ khác ngoài Rockefeller và Ford phải kể đến Jay Gould, người đã đầu tư tiền của mình vào đường xe lửa; J.Pierpont Morgan đầu tư vào ngân hàng, và Andrew Carnegie đầu tư vào thép. Một số trùm tư bản là trung thực theo các chuẩn mực kinh doanh thời bấy giờ; tuy nhiên, những người khác thường sử dụng vũ lực, hối lộ và lừa đảo để đạt được sự giàu có và quyền lực cho mình. Dù tốt hay xấu, các nhóm lợi ích kinh doanh đều giành được ảnh hưởng quan trọng đối với chính quyền. Morgan, có lẽ là nhà kinh doanh khoa trương nhất, hoạt động với một quy mô rất lớn trong cả kinh doanh lẫn cuộc sống riêng của mình. Ông và bạn bè đánh bạc, đua thuyền buồm, tiêu xài phung phí cho các bữa tiệc, xây các tòa biệt thự, mua tranh nghệ thuật quí giá của châu Âu. Ngược lại, những người như Rockefeller và Ford lại thể hiện những phẩm chất đạo đức khắt khe. Họ vẫn giữ được phong cách sống và những giá trị của người dân ở vùng thị trấn nhỏ. Là những người ngoan đạo, họ cảm thấy phải có trách nhiệm đối với người khác. Họ tin rằng đạo đức cá nhân có thể mang lại thành công; đạo lý của họ là tin tưởng vào công việc và tiết kiệm. Sau này, những người thừa kế của họ đã thiết lập những tổ chức nhân đạo lớn nhất nước Mỹ. Trong khi các trí thức thuộc tầng lớp trên ở châu Âu nói chung nhìn hoạt động buôn bán với con mắt khinh thị, thì hầu hết người Mỹ - sống trong một xã hội với cấu trúc giai cấp dễ thay đổi hơn - lại hăng hái theo đuổi ý tưởng kiếm tiền. Họ thích mạo hiểm và sự kích động của hoạt động kinh doanh, cũng như mức sống cao hơn, khả năng có được quyền lực và sự tôn vinh do thành công trong kinh doanh mang lại. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Mỹ đã phát triển vững mạnh trong thế kỷ XX thì hình ảnh người có vai vế giàu có dựa vào kinh doanh đã mất đi vẻ hào quang rực rỡ như một lý tưởng Mỹ. Sự thay đổi căn bản xảy ra với việc xuất hiện tập đoàn kinh doanh, ra đời đầu tiên trong ngành công nghiệp đường sắt và sau đó ở tất cả các lĩnh vực khác. Các nhà đại tư bản kinh doanh bị thay thế bởi “các chuyên gia công nghệ”, các nhà quản lý lương cao - những người trở thành lãnh đạo các tập đoàn. Ngược lại, sự lớn mạnh của tập đoàn lại làm gia tăng phong trào công nhân có tổ chức, nó có vai trò như một lực lượng đối trọng với quyền lực và ảnh hưởng của doanh nghiệp. Cách mạng khoa học công nghệ của những năm 1980 - 1990 mang lại một nền văn hóa kinh doanh mới, lặp lại kỷ nguyên của các trùm tư bản. Bill Gates, nhà lãnh đạo hãng Microsoft, đã xây dựng một cơ đồ bao la về phát triển và bán các phần mềm máy tính. Gates đã tạo ra một đế chế có khả năng sinh lợi nhuận đến mức vào cuối những năm 1990, công ty của ông bị kiện ra tòa và bị buộc tội đe dọa các đối thủ cạnh tranh và tạo ra độc quyền theo điều luật chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ. Nhưng Gates cũng thành lập một quỹ nhân đạo, và nó nhanh chóng trở thành tổ chức nhân đạo lớn nhất. Hầu hết các nhà lãnh đạo kinh doanh Mỹ ngày nay không có được cuộc sống huy hoàng như Gates. Họ quyết định vận mệnh của các tập đoàn, nhưng cũng tham gia hoạt động của các quỹ nhân đạo và trường học. Họ quan tâm đến tình trạng nền kinh tế quốc gia và mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia khác, và dường như họ thích bay đến Washington để xin ý kiến các quan chức chính phủ. Trong khi họ rõ ràng có ảnh hưởng tới chính phủ, nhưng họ không kiểm soát nó như một số trùm tư bản tin rằng đã từng làm được trong Thời kỳ vàng son. Sự can thiệp của chính phủ Trong những năm đầu của lịch sử nước Mỹ, hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị đều ngần ngại khi để chính phủ liên bang can thiệp quá sâu vào khu vực kinh tế tư nhân, trừ lĩnh vực vận tải. Nhìn chung, họ chấp nhận khái niệm về chính sách để mặc tư nhân tự do kinh doanh (laissez-faire), một học thuyết chống lại sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế trừ hoạt động duy trì luật pháp và trật tự. Quan điểm này bắt đầu thay đổi vào cuối thế kỷ XIX, khi các phong trào của người lao động, chủ trang trại và chủ doanh nghiệp nhỏ bắt đầu yêu cầu chính phủ thay mặt họ can thiệp. Bước sang thế kỷ XX, một tầng lớp trung lưu đã phát triển; tầng lớp này thận trọng với cả giới lãnh đạo kinh doanh lẫn các phong trào chính trị phần nào cực đoan của nông dân và công nhân miền Tây và Trung Tây. Được gọi là thành viên đảng Cấp tiến, những người này ủng hộ sự điều tiết của chính phủ trong hoạt động kinh doanh nhằm bảo đảm cạnh tranh và doanh nghiệp tự do. Họ cũng đấu tranh chống tham nhũng trong khu vực công cộng. Quốc hội thông qua một đạo luật điều tiết ngành đường sắt năm 1887 (Đạo luật Thương mại liên tiểu bang), và luật ngăn cản việc các hãng lớn kiểm soát một ngành công nghiệp riêng vào năm 1890 (Đạo luật chống độc quyền Sherman). Tuy vậy, các luật này không được thi hành chặt chẽ cho đến những năm 1900 - 1920, khi Tổng thống Đảng Cộng hòa Theodore Roosevelt (1901-1909), Tổng thống Đảng Dân chủ Woodrow Wilson (1913-1921), và những người khác đồng quan điểm với các thành viên đảng Cấp tiến, lên nắm quyền. Nhiều cơ quan điều tiết của Mỹ ngày nay được lập ra trong thời gian đó, kể cả ủy ban thương mại liên tiểu bang, Cơ quan quản lý lương thực và dược phẩm và ủy ban thương mại liên bang. Sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế tăng lên mạnh mẽ trong suốt thời kỳ Chính sách mới những năm 1930. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 mở đầu thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, cuộc Đại khủng hoảng kinh tế (1929-1940). Tổng thống Franklin D. Roosevelt (1933-1945) đã đề ra Chính sách mới nhằm giảm bớt tình trạng nguy cấp đó. Rất nhiều đạo luật và thể chế quan trọng nhất xác lập nên nền kinh tế hiện đại Hoa Kỳ đều được bắt nguồn trong kỷ nguyên của Chính sách mới. Luật pháp thời kỳ này mở rộng quyền hạn của liên bang trong hoạt động ngân hàng, nông nghiệp và phúc lợi công cộng. Nó thiết lập các chuẩn mực tối thiểu về mức lương và giờ làm việc, và có vai trò như một chất xúc tác để mở rộng các nghiệp đoàn lao động trong những ngành công nghiệp như ngành thép, chế tạo ô tô và cao su. Các chương trình và các cơ quan mà ngày nay dường như không thể thiếu được để điều hành nền kinh tế hiện đại của đất nước đã được thiết lập: ủy ban chứng khoán và hối phiếu, cơ quan điều tiết thị trường chứng khoán; Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang, là cơ quan bảo hiểm các khoản ký thác tại ngân hàng; và có lẽ đáng chú ý nhất là hệ thống An sinh xã hội, chương trình chu cấp các khoản hưu trí cho người cao tuổi dựa vào sự tham gia đóng bảo hiểm của họ khi còn lao động. Các nhà lãnh đạo của thời kỳ Chính sách mới đã ủng hộ ý tưởng xây dựng mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và chính phủ, nhưng một số trong những cố gắng đó không tồn tại được qua cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Đạo luật khôi phục công nghiệp quốc gia, một chương trình ngắn ngủi của thời kỳ Chính sách mới, tìm cách khuyến khích các chủ doanh nghiệp và công nhân giải quyết tranh chấp dưới sự giám sát của chính phủ và từ đó tăng năng suất và hiệu quả lao động. Trong khi nước Mỹ chưa bao giờ hướng tới chủ nghĩa phát xít, điều mà các thỏa thuận tương tự giữa doanh nghiệp - người lao động - chính phủ đã mang lại ở Đức và Italia, thì các sáng kiến của Chính sách mới đã cho thấy một sự chia sẻ quyền lực mới giữa ba nhân tố chủ chốt này của nền kinh tế. Sự tập hợp quyền lực này thậm chí phát triển mạnh hơn trong thời kỳ chiến tranh, khi chính phủ Mỹ can thiệp rất mạnh vào nền kinh tế. Ban sản xuất thời chiến đã điều phối các khả năng sản xuất của quốc gia sao cho những ưu tiên cho quân sự có thể được đáp ứng. Các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng được chuyển đổi đã hoàn thành nhiều hợp đồng của quân đội. Ví dụ, các nhà sản xuất ô tô thì chế tạo xe tăng và máy bay, biến nước Mỹ thành một “kho vũ khí của nền dân chủ”. Trong một nỗ lực phòng ngừa lạm phát do việc nâng cao thu nhập quốc dân và tình trạng khan hiếm hàng tiêu dùng gây ra, Văn phòng quản lý giá cả mới được thành lập đã kiểm soát tiền thuê nhà của các nhà trọ, phân phối hàng tiêu dùng từ đường cho đến xăng dầu, và mặt khác cố gắng kiềm chế sự tăng giá. Nền kinh tế sau chiến tranh: 1945-1960 Nhiều người Mỹ lo sợ rằng việc kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và sự cắt giảm chi tiêu quân sự tiếp sau đó có thể đưa đất nước quay lại thời kỳ khó khăn của cuộc Đại khủng hoảng kinh tế. Nhưng thay vào đó, nhu cầu tiêu dùng bị kìm nén đã tạo đà tăng trưởng kinh tế cực kỳ mạnh mẽ trong giai đoạn sau chiến tranh. Ngành công nghiệp ô tô quay lại sản xuất ô tô với thành công lớn, nhiều ngành công nghiệp mới như hàng không và điện tử phát triển nhảy vọt. Nhà ở tăng nhanh, được khuyến khích một phần bởi các khoản thế chấp khá dễ dàng dành cho những người trở về từ quân ngũ, cũng góp phần vào sự tăng trưởng. Tổng sản phẩm quốc dân tăng từ 200 tỷ USD năm 1940 lên đến 300 tỷ USD năm 1950 và hơn 500 tỷ USD năm 1960. Cùng lúc đó, sự tăng vọt tỷ lệ sinh sau chiến tranh, còn được gọi là “sự bùng nổ trẻ em”, làm số người tiêu dùng tăng lên. Ngày càng có nhiều người Mỹ được xếp vào tầng lớp trung lưu. Nhu cầu sản xuất các công cụ phục vụ chiến tranh đã tạo ra một tổ hợp công nghiệp - quân sự khổng lồ (một khái niệm do Dwight D. Eisenhower, Tổng thống Mỹ từ năm 1953 đến 1961, đặt ra). Nó không bị mất đi khi chiến tranh chấm dứt. Khi Bức màn sắt hạ xuống cắt ngang châu Âu và nước Mỹ thấy mình bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô, chính phủ vẫn duy trì khả năng chiến đấu thực sự và đầu tư vào những vũ khí tinh vi, chẳng hạn như bom hydro. Viện trợ kinh tế cho các nước châu Âu bị chiến tranh tàn phá theo Kế hoạch Marshall cũng giúp duy trì thị trường cho nhiều hàng hóa Mỹ. Và bản thân chính phủ cũng nhận ra vai trò trung tâm của mình trong các hoạt động kinh tế. Đạo luật việc làm năm 1946 đã khẳng định chính sách của chính phủ là “thúc đẩy tối đa việc làm, sản xuất và sức mua”. Thời kỳ sau chiến tranh, Hoa Kỳ cũng nhận ra sự cần thiết phải cấu trúc lại các tổ chức tiền tệ quốc tế, đi đầu trong việc thành lập Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới - những tổ chức được hình thành nhằm bảo đảm một nền kinh tế quốc tế tư bản chủ nghĩa công khai. Trong khi đó, các doanh nghiệp bước vào thời kỳ được đánh dấu bởi sự sáp nhập. Các hãng hợp nhất lại tạo ra những tập đoàn kinh tế đa dạng khổng lồ. Ví dụ như Tập đoàn điện thoại và điện báo quốc tế (International Telephone and Telegraph) đã mua lại các hãng Sheraton Hotels, Continental Banking, Hartford Fire Insurance, Avis Rent-a-Car, và nhiều công ty khác. Lực lượng lao động Mỹ cũng thay đổi đáng kể. Trong những năm 1950, số lao động trong ngành cung cấp dịch vụ tăng lên bằng rồi vượt số người sản xuất hàng hoá. Cho tới năm 1956, số lao động Mỹ làm công việc hành chính văn phòng nhiều hơn số công nhân trực tiếp sản xuất. Cùng lúc đó, các nghiệp đoàn lao động đã giành được các hợp đồng lao động dài hạn và những phúc lợi khác cho thành viên của mình. Nông dân, trái lại, phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn. Do nông nghiệp trở thành một ngành kinh doanh lớn, sự gia tăng năng suất đã dẫn đến sản xuất nông nghiệp dư thừa. Các gia đình nông dân nhỏ càng gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh, và ngày càng có nhiều nông dân rời bỏ ruộng đất. Kết quả là số người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu giảm liên tục; từ con số 7,9 triệu người năm 1947, đến năm 1998 chỉ còn 3,4 triệu người làm việc trong các trang trại Mỹ. Những người Mỹ khác cũng di chuyển. Sự gia tăng nhu cầu về nhà ở cho các gia đình riêng và sở hữu riêng ô tô tăng mạnh dẫn đến việc nhiều người Mỹ chuyển từ các trung tâm thành phố về vùng ngoại ô. Cùng với những đổi mới công nghệ, chẳng hạn như phát minh máy điều hòa nhiệt độ, sự dịch chuyển dân cư này đã kích thích phát triển các thành phố ở “Vành đai mặt trời” như Houston, Atlanta, Miami và Phoenix ở các bang phía Nam và Tây Nam. Khi những con đường cao tốc mới được liên bang đỡ đầu tạo ra tuyến giao thông tốt hơn tới các vùng ngoại ô thì các mô hình kinh doanh cũng thay đổi. Các trung tâm buôn bán nhân lên gấp bội, từ 8 trung tâm trong giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ hai lên đến 3.840 vào năm 1960. Nhiều ngành công nghiệp cũng dịch chuyển theo, khiến cho các thành phố bớt đông đúc hơn. Thời kỳ thay đổi: Thập kỷ 1960 và 1970 Những năm 1950 ở Mỹ thường được mô tả là một thời kỳ ưng ý. Trái lại, các thập kỷ 1960 và 1970 là thời kỳ có sự thay đổi lớn. Các quốc gia mới xuất hiện trên khắp thế giới, những phong trào nổi dậy tìm cách lật đổ các chính phủ đang cầm quyền, các nước độc lập đã phát triển thành những quốc gia có tiềm lực kinh tế cạnh tranh với Mỹ, và các mối quan hệ kinh tế giữ vai trò chi phối trong một thế giới ngày càng thừa nhận rằng sức mạnh quân sự không phải là phương tiện duy nhất để tăng trưởng và phát triển. Tổng thống John F. Kennedy (1961-1963) đã chỉ ra phương thức tích cực hơn để lãnh đạo đất nước. Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của mình năm 1960, Kennedy nói ông muốn yêu cầu người Mỹ chấp nhận những thách thức của “Biên giới mới”. Khi là tổng thống, ông đã tìm cách đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bằng việc tăng cường chi tiêu chính phủ và cắt giảm thuế, và thúc giục các hoạt động trợ giúp y tế cho người già, trợ cấp cho các khu ổ chuột trong thành phố, và tăng ngân sách cho giáo dục. Nhiều đề xuất của ông không được thông qua, mặc dù quan điểm của Kennedy về việc đưa người Mỹ ra nước ngoài để giúp các nước đang phát triển đã trở thành hiện thực với việc hình thành Đội hòa bình Mỹ. Kennedy cũng tăng cường hoạt động khám phá vũ trụ của Mỹ. Sau khi ông qua đời, chương trình vũ trụ của Mỹ đã có những thành công vượt trội hơn so với Liên Xô và đạt tới đỉnh cao bằng sự kiện các nhà phi hành Mỹ đặt chân lên mặt trăng vào tháng Bảy 1969. Việc ám sát Kennedy năm 1963 đã thúc giục quốc hội thông qua phần lớn chương trình nghị sự lập pháp của ông. Người kế nhiệm ông, Lyndon Baines Johnson (1963-1969) tìm cách xây dựng một “Xã hội vĩ đại” bằng việc phân phối rộng khắp các lợi ích thu được từ nền kinh tế phát đạt của Mỹ cho nhiều công dân hơn nữa. Chi tiêu liên bang tăng mạnh khi chính phủ đưa ra các chương trình mới như chương trình Bảo hiểm y tế (chăm sóc sức khoẻ cho người già), chương trình Tem phiếu thực phẩm (giúp đỡ thực phẩm cho người nghèo), và rất nhiều sáng kiến về giáo dục (giúp đỡ sinh viên cũng như trợ cấp cho các trường phổ thông và đại học). Chi tiêu quốc phòng cũng tăng lên khi sự tham gia của Mỹ ở Việt Nam gia tăng. Cái mà khi bắt đầu chỉ là một hoạt động quân sự nhỏ dưới thời Kennedy đã biến thành một sáng kiến quân sự lớn dưới thời Tổng thống Johnson. Một điều thật mỉa mai là chi tiêu cho cả hai cuộc chiến - cuộc chiến chống đói nghèo và chiến tranh ở Việt Nam - đã góp phần tạo ra sự thịnh vượng trong một thời gian ngắn ngủi. Nhưng vào cuối thập kỷ 1960, thất bại của chính phủ trong việc tăng thuế để trang trải cho những cố gắng đó dẫn đến lạm phát tăng vọt, điều này đã làm suy mòn sự thịnh vượng ấy. Cuộc cấm vận dầu mỏ 1973-1974 của các nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đẩy giá năng lượng lên rất cao và gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Ngay cả sau khi lệnh cấm vận kết thúc, giá năng lượng vẫn ở mức cao, làm tăng thêm lạm phát và cuối cùng làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Thâm hụt ngân sách liên bang tăng lên, cạnh tranh nước ngoài khốc liệt và thị trường chứng khoán sa sút. Chiến tranh Việt Nam kéo dài đến tận năm 1975, Tổng thống Richard Nixon (1969-1974) phải từ chức do nguy cơ bị quốc hội luận tội, một nhóm người Mỹ bị bắt cóc làm con tin tại sứ quán Mỹ ở Teheran và bị giam giữ hơn một năm. Quốc gia này dường như không thể kiểm soát nổi các sự kiện, kể cả các vấn đề kinh tế. Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên do hàng hóa nhập khẩu với giá rẻ và thường là có chất lượng cao gồm mọi thứ từ ô tô đến thép và cả chất bán dẫn tràn ngập vào thị trường Mỹ. Khái niệm “lạm phát đình đốn” - một đặc trưng của nền kinh tế trong đó lạm phát tiếp tục tăng và hoạt động kinh doanh đình trệ, cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng - đã mô tả tình trạng suy yếu mới này của nền kinh tế. Lạm phát dường như trầm trọng thêm bởi chính bản thân nó. Mọi người bắt đầu lo ngại sự leo cao liên tục của giá cả hàng hóa nên họ mua nhiều hơn. Lượng cầu tăng lên này lại đẩy tiếp giá lên, dẫn đến yêu cầu về lương cao hơn làm đẩy giá tiếp tục cao lên mãi trong một vòng xoáy trôn ốc. Các hợp đồng lao động ngày càng có xu hướng bao gồm cả các điều khoản điều chỉnh tự động theo chi phí sinh hoạt, và chính phủ bắt đầu đặt định mức cho một số khoản thanh toán, chẳng hạn như các khoản thanh toán của chương trình An sinh xã hội, theo chỉ số giá tiêu dùng, một công cụ được xem là tốt nhất để đo mức độ lạm phát. Trong khi các hoạt động đó giúp cho công nhân và những người về hưu đối phó với lạm phát, thì chúng lại duy trì lạm phát. Nhu cầu về ngân sách của chính phủ tăng chưa từng thấy làm thâm hụt ngân sách càng lớn hơn, dẫn đến vay nợ của chính phủ tăng lên, chính điều này lại đẩy tỷ lệ lãi suất lên cao đồng thời làm tăng thêm nữa chi phí đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do chi phí năng lượng và tỷ lệ lãi suất cao nên đầu tư cho kinh doanh giảm sút và thất nghiệp tăng đến mức đáng lo ngại. Trong tuyệt vọng, Tổng thống Jimmy Carter (1977 - 1981) đã cố gắng chống đỡ lại những yếu kém kinh tế và thất nghiệp bằng cách tăng chi tiêu của chính phủ, và ông xây dựng những nguyên tắc chỉ đạo về giá và lương chủ động để kiểm soát lạm phát. Nhưng cả hai giải pháp trên phần lớn đều thất bại. Có lẽ một giải pháp chống lại lạm phát mang đến nhiều thành công hơn nhưng ít gây ấn tượng là thực hiện “phi điều tiết” trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm ngành hàng không, vận tải và đường sắt. Các ngành này từng bị điều tiết quá chặt chẽ với sự kiểm soát của chính phủ về tuyến đường và giá vé. Sự ủng hộ phi điều tiết vẫn tiếp tục sau chính quyền Carter. Vào thập kỷ 1980, chính phủ nới lỏng kiểm soát tỷ lệ lãi suất ngân hàng và dịch vụ điện thoại đường dài, và trong thập kỷ 1990 chuyển sang giảm bớt điều tiết đối với dịch vụ điện thoại địa phương. Nhưng nhân tố quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lạm phát là Cục dự trữ liên bang (Fed), cơ quan kiểm soát chặt chẽ mức cung tiền bắt đầu vào năm 1979. Bằng việc từ chối cung tất cả mọi khoản tiền mà một nền kinh tế bị lạm phát tàn phá mong muốn, Fed đã làm cho tỷ lệ lãi suất tăng lên. Kết quả là các khoản chi tiêu cho tiêu dùng và khoản vay để kinh doanh giảm xuống đột ngột. Nền kinh tế lại nhanh chóng rơi vào trì trệ nặng nề. Nền kinh tế trong thập kỷ 1980 Nước Mỹ đã trải qua một đợt suy thoái nặng nề trong suốt năm 1982. Số doanh nghiệp phá sản tăng 50% so với năm trước. Nông dân gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu hàng nông nghiệp giảm sút, giá nông phẩm đi xuống và tỷ lệ lãi suất lại tăng. Nhưng trong khi liều thuốc đắng của suy giảm sâu sắc thật khó nuốt thì chính nó lại bẻ gãy chu kỳ suy thoái tiêu cực mà nền kinh tế gặp phải. Năm 1983, lạm phát đã lắng xuống, nền kinh tế hồi phục lại và nước Mỹ bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng kinh tế bền vững. Tỷ lệ lạm phát hàng năm được duy trì dưới 5% trong suốt thập kỷ 1980 và sang cả thập kỷ 1990. Sự biến động về kinh tế của thập kỷ 1970 có những hậu quả chính trị quan trọng. Người Mỹ bày tỏ sự bất bình của mình với các chính sách của liên bang bằng việc phế bỏ Carter năm 1980 đồng thời bầu Ronald Reagan, một cựu diễn viên điện ảnh Hollywood và là thống đốc bang California, làm tổng thống. Reagan (1981-1989) đặt ra chương trình kinh tế của mình dựa trên cơ sở lý thuyết kinh tế trọng cung, ủng hộ việc cắt giảm thuế suất sao cho mọi người có thể giữ lại được nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Lý thuyết này cho rằng thuế suất thấp hơn khiến mọi người làm việc nhiều hơn và cố gắng hơn, và điều này lại dẫn tới tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn, kết quả là sản xuất ra nhiều hơn và kích thích toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng. Trong khi chính sách cắt giảm thuế do Reagan đưa ra chủ yếu phục vụ cho lợi ích của những người Mỹ giàu có, lý thuyết kinh tế đằng sau việc cắt giảm thuế này chỉ ra rằng lợi ích cũng được mở rộng cho những người có thu nhập thấp hơn bởi vì đầu tư tăng lên dẫn đến nhiều cơ hội việc làm mới và lương cao hơn. Tuy nhiên, chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự quốc gia của Reagan là quan điểm của ông cho rằng chính phủ liên bang đã trở nên quá cồng kềnh và lạm dụng. Vào đầu thập kỷ 1980, đồng thời với việc cắt giảm thuế, Reagan cũng giảm mạnh các chương trình xã hội. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Reagan cũng tiến hành một chiến dịch nhằm giảm bớt hoặc xóa bỏ các hoạt động điều tiết của chính phủ tác động tới người tiêu dùng, việc làm và môi trường. Tuy nhiên, cùng lúc đó, ông sợ rằng nước Mỹ thờ ơ với quân đội của mình sau chiến tranh Việt Nam nên đã đẩy mạnh chi tiêu cho quốc phòng. Sự kết hợp giữa cắt giảm thuế và đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng lấn át hẳn việc giảm có mức độ chi tiêu cho các chương trình trong nước. Kết quả là thâm hụt ngân sách liên bang tăng lên thậm chí vượt cả mức thời kỳ kinh tế đình trệ nặng nề đầu thập kỷ 1980. Từ 74 tỷ USD năm 1980, thâm hụt ngân sách liên bang đã tăng tới 221 tỷ USD năm 1986. Nó giảm xuống 150 tỷ USD năm 1987 nhưng sau đó bắt đầu tăng trở lại. Một số nhà kinh tế lo lắng rằng việc chi tiêu và vay nợ quá nhiều của chính phủ liên bang có thể thổi bùng lạm phát, nhưng Cục dự trữ liên bang vẫn duy trì cảnh giác với việc kiểm soát giá cả leo thang, cơ động nhanh chóng để nâng lãi suất lên bất kỳ lúc nào cảm thấy bị đe dọa. Cục dự trữ liên bang dưới thời chủ tịch Paul Volcker và người kế nhiệm ông, Alan Greenspan, đã giữ vai trò trung tâm của cảnh sát giao thông kinh tế, lấn át cả quốc hội và tổng thống trong việc chỉ dẫn nền kinh tế quốc gia. Việc khôi phục kinh tế mà trước hết là tập trung sức lực ở đầu thập kỷ 1980 không phải không có vấn đề của nó. Nông dân, đặc biệt là những người quản lý các trang trại gia đình nhỏ, tiếp tục phải đối mặt với những thách thức nảy sinh trong cuộc sống, đặc biệt trong năm 1986 và 1988, khi miền trung đất nước gặp hạn hán nặng nề và một vài năm sau đó lại phải gánh chịu lũ lụt nghiêm trọng. Một số ngân hàng đã dao động bởi tiền tệ bị thắt chặt, đồng thời hoạt động cho vay lại không thận trọng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng được gọi là các hiệp hội tiết kiệm và cho vay đã cho vay tiền bừa bãi sau khi được phi điều tiết một phần. Chính phủ liên bang đóng cửa rất nhiều tổ chức như vậy và thanh toán hết cho những người gửi tiền, một khoản phí tổn khổng lồ đối với người dân Mỹ. Trong khi Reagan và người kế nhiệm ông, George Bush (1989-1993), nắm quyền đúng lúc chế độ cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, thì thập kỷ 1980 không hoàn toàn xóa bỏ được tình trạng kinh tế trì trệ đã gắn chặt với đất nước này trong suốt thập kỷ 1970. Nước Mỹ bị thâm hụt thương mại trong suốt bảy năm của thập kỷ 1970, và thâm hụt thương mại vẫn tiếp tục tăng lên trong thập kỷ 1980. Các nền kinh tế tăng trưởng mạnh ở châu Á xuất hiện như những cường quốc kinh tế thách thức nước Mỹ. Đặc biệt là Nhật Bản, với sự tập trung vào kế hoạch dài hạn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các tập đoàn kinh doanh, ngân hàng và chính phủ, dường như đưa ra một mô hình tăng trưởng kinh tế mới. Trong khi đó ở nước Mỹ, “những kẻ chộp giật tập thể” đã mua lại rất nhiều tập đoàn khác nhau khi giá cổ phiếu của chúng bị ép xuống và sau đó cấu trúc lại, bằng việc bán đứt một số hoạt động hoặc chia nhỏ những tập đoàn này. Trong một số trường hợp, có những công ty phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua lại chính cổ phiếu của mình hoặc trả cho những kẻ chộp giật. Các nhà phê bình chứng kiến những trận chiến như vậy với tâm trạng hoang mang, tuyên bố rằng những kẻ chộp giật đang phá hoại các công ty hoạt động tốt và gây ra đau khổ cho công nhân, rất nhiều người trong số họ mất việc làm khi cấu trúc lại tập đoàn. Nhưng một số người khác lại cho rằng những người chộp giật đã có một đóng góp rất ý nghĩa vào nền kinh tế, bằng việc tiếp quản các công ty quản lý yếu kém, thu gọn cơ cấu của chúng và làm cho chúng lại có khả năng sinh lợi nhuận, hoặc bán đứt chúng để nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận và đầu tư lại vào những công ty sản xuất tốt hơn. Thập kỷ 1990 và sau đó Thập kỷ 1990 đưa đến một vị tổng thống mới, Bill Clinton (1993-2001). Là một người Dân chủ ôn hòa và thận trọng, Clinton đưa ra một số chủ trương giống như những người tiền nhiệm của ông. Sau khi không thành công trong việc thuyết phục quốc hội thông qua một đề xuất đầy tham vọng về mở rộng bảo hiểm y tế, Clinton tuyên bố rằng kỷ nguyên của “chính phủ lớn” ở Mỹ đã kết thúc. Ông đã nỗ lực để tăng cường sức mạnh cho các lực lượng thị trường trong một số lĩnh vực, phối hợp với quốc hội để đưa dịch vụ điện thoại địa phương vào cạnh tranh. Ông cũng đồng tình với những người Cộng hòa để cắt giảm phúc lợi. Tuy nhiên, dù Clinton đã cắt giảm quy mô bộ máy làm việc của liên bang, chính phủ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế quốc gia. Hầu hết những sáng kiến quan trọng trong thời Chính sách mới và rất nhiều chương trình của giai đoạn Xã hội vĩ đại vẫn được duy trì. Và hệ thống Dự trữ liên bang tiếp tục điều tiết nhịp độ chung của hoạt động kinh tế, với sự cảnh giác cao độ trước bất kỳ dấu hiệu mới nào của lạm phát. Đồng thời, trong suốt những năm 1990, nền kinh tế vận hành ngày càng lành mạnh. Với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu vào cuối thập kỷ 1980, các cơ hội buôn bán mở ra rất lớn. Những tiến bộ về công nghệ mang lại một loạt các sản phẩm điện tử mới hết sức tinh vi. Những đổi mới trong thông tin viễn thông và hệ thống mạng máy tính đã sản sinh ra một ngành công nghiệp lớn về phần cứng và phần mềm máy tính và cách mạng hóa phương thức hoạt động của nhiều ngành công nghiệp. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và lợi nhuận của các tập đoàn cũng tăng mạnh. Cùng với lạm phát và thất nghiệp ở mức thấp, những khoản lợi nhuận lớn được đưa vào thị trường chứng khoán đang dấy lên sôi động; chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones chỉ ở mức 1.000 điểm vào cuối thập kỷ 1970 thì năm 1999 đã lên đến 11.000 điểm, góp phần đáng kể vào sự giàu có của nhiều người Mỹ - tuy không phải là tất cả. Nền kinh tế Nhật Bản, thường được người Mỹ xem là hình mẫu ở thập kỷ 1980, lại rơi vào trì trệ kéo dài - một diễn biến làm cho nhiều nhà kinh tế đi đến kết luận rằng cách tiếp cận linh hoạt hơn, ít kế hoạch hóa hơn, và cạnh tranh hơn của Mỹ thực sự là một chiến lược tốt hơn để tăng trưởng kinh tế trong môi trường mới, hội nhập toàn cầu. Lực lượng lao động của Mỹ thay đổi đáng kể trong những năm 1990. Số nông dân tiếp tục giảm phản ánh một xu hướng trong dài hạn. Một tỷ lệ nhỏ công nhân làm việc trong ngành công nghiệp, còn lại phần lớn làm việc trong lĩnh vực dịch vụ với những công việc từ thủ kho cho đến lập kế hoạch tài chính. Nếu thép và giầy dép đã từng là mặt hàng sản xuất chủ lực của Mỹ thì nay máy tính và phần mềm đang thay thế chúng. Sau khi đạt tới đỉnh cao với 290 tỷ USD vào năm 1992, ngân sách liên bang liên tục thu hẹp lại do tăng trưởng kinh tế và mức tăng thu nhập từ thuế. Năm 1998, chính phủ công bố thặng dư ngân sách lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, mặc dù một khoản nợ khổng lồ - chủ yếu dưới dạng các khoản thanh toán trong tương lai của chương trình An sinh xã hội dành cho thế hệ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số - vẫn còn đó. Các nhà kinh tế, ngạc nhiên trước sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế nhanh và lạm phát thấp kéo dài, đã tranh luận về việc liệu nước Mỹ có một “nền kinh tế mới” có khả năng duy trì được tỷ lệ tăng trưởng nhanh hơn so với khả năng có thể dựa vào kinh nghiệm của 40 năm trước hay không. Cuối cùng, nền kinh tế Mỹ đã gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế toàn cầu hơn bao giờ hết. Clinton, giống như những người tiền nhiệm của ông, tiếp tục đẩy mạnh việc xóa bỏ các rào cản thương mại. Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã tăng cường hơn nữa các mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và những đối tác thương mại lớn nhất của mình là Canada và Mêhicô. Châu Á, khu vực tăng trưởng rất nhanh trong suốt thập kỷ 1980, đã cùng với châu Âu trở thành nơi cung cấp hàng hóa thành phẩm chủ yếu và là một thị trường cho hàng xuất khẩu của Mỹ. Những hệ thống liên lạc viễn thông toàn cầu tinh vi đã liên kết các thị trường tài chính của thế giới thành một mối, một điều không thể hình dung nổi ngay trong vài năm trước. Trong khi nhiều người Mỹ vẫn tin rằng hội nhập kinh tế toàn cầu mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, thì sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên cũng đã tạo ra một số trục trặc nhất định. Người lao động ở các ngành công nghệ cao - những ngành mà Mỹ vượt trội - được trả lương tương đối cao, nhưng trong các ngành sản xuất truyền thống, việc cạnh tranh với nhiều nước ngoài, thường là những nước có chi phí lao động thấp, đã tạo ra xu hướng dìm mức lương xuống. Tiếp nữa, khi nền kinh tế của Nhật Bản và những nước công nghiệp hóa mới nổi lên khác ở châu Á giảm sút vào cuối thập kỷ 1990, làn sóng những cú sốc đã xé toạc hệ thống tài chính toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Mỹ nhận thấy họ phải cân nhắc hơn nữa những điều kiện kinh tế toàn cầu khi vạch ra biểu đồ cho nền kinh tế trong nước. Tuy vậy, người Mỹ đã khôi phục được lòng tin khi kết thúc thập kỷ 1990. Đến cuối năm 1999, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng liên tục tính từ tháng Ba 1991, đây là thời kỳ phát triển kinh tế trong thời bình dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tháng Mười một 1999, tổng số người thất nghiệp chỉ chiếm 4,1% lực lượng lao động, một tỷ lệ thấp nhất trong gần 30 năm qua. Và giá cả hàng hóa tiêu dùng, chỉ tăng 1,6% trong năm 1998 (tỷ lệ tăng thấp nhất ngoại trừ một năm kể từ 1964), chỉ tăng lên chút ít trong năm 1999 (2,4% tính đến tháng Mười). Vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng quốc gia này đã vượt qua thế kỷ XX - cùng những biến động to lớn của thế kỷ này - trong tình trạng sung sức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét