Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014
BAI GIANG CHO SINH VIEN _BẢO HIỂM HÀNG HẢI ( edutek.net.vn)
I - KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BẢO HIỂM HÀNG HẢI
1 - Định nghĩa, các loại bảo hiểm hàng hải
1.1 - Định nghĩa
Bảo hiểm hàng hải là bảo hiểm những rủi ro trên biển hoặc những rủi ro trên bộ, trên sông liên quan đến hành trình đường biển, gây tổn thất cho các đối tượng bảo hiểm chuyên chở trên biển.
Bảo hiểm hàng hải có một lịch sử rất lâu đời. Một trong những đơn bảo hiểm đầu tiên mà người ta tìm thấy là đơn bảo hiểm cấp vào năm 1347 tại Genoa (Italia) cho tàu Santaclara đi đến quần đảo Magioca thuộc Tây Ban Nha. Người ta cho rằng bảo hiểm hàng hải ra đời bắt đầu từ những người cho vay nặng lãi sống ở miền Bắc Italia. Những người này thường cho chủ tàu vay nợ với điều kiện là nếu tàu đi trót lọt thì chủ tàu phải trả một khoản lãi rất nặng. Ngược lại, nếu tàu bị đắm, mất hết thì được xóa nợ. Lối cho vay này gọi là vay "được ăn cả ngã về không" hay cho vay kiêm bảo hiểm.
Bảo hiểm sau đó phát triển sang Anh. Nước Anh là nước cò nền ngoại thương phát triển nên bảo hiểm cũng phát triển sớm và đầy đủ hơn. Ngay từ thế kỷ 17 Anh đã có mẫu đơn bảo hiểm tàu và hàng (Lloyd's SG from) vẫn được áp dụng cho đến ngày nay.
1.2 - Các loại bảo hiểm hàng hải
Bảo hiểm hàng hải gồm ba loại :
- Bảo hiểm thân tàu (hull Insurance) : Bảo hiểm thân tàu là bảo hiểm những thiệt hại vật chất xảy ra đối với vỏ tàu, máy móc và các thiết bị trên tàu đồng thời bảo hiểm cước phí, các chi phí hoạt động của tàu và một phần trách nhiệm mà chủ tàu phải chịu trong trường hợp hai tàu đâm va nhau.
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu (P & I Insurance) : là bảo hiểm những thiệt hại phát sinh từ trách nhiệm của chủ tàu trong quá trình sở hữu, kinh doanh, khai thác tàu biển.
- Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.
2 - Rủi ro trong bảo hiểm hàng hải
2.1 - Định nghĩa
Rủi ro là những tai nạn, tai họa, sự cố xảy ra một cách bất ngờ, ngẫu nhiên hoặc những mối đe dọa nguy hiểm khi xảy ra thì gây tổn thất cho đối tượng bảo hiểm. Ví dụ, tàu bị mắc cạn, đắm, đâm va nhau… hàng bị hư hỏng, vỡ, thiếu hụt…
2.2 - Phân loại rủi ro
Rủi ro trong bảo hiểm hàng hải có nhiều loại.
a) Căn cứ vào nguồn gốc sinh ra rủi ro, có thể phân thành các loại sau đây :
- Thiên tai (act of God). Thiên tai là những hiện tượng tự nhiên mà con người không chi phối được, như : biển động, bão, gió lốc, sét đánh, thời tiết xấu, sóng thần, động đất, núi lửa phun…
- Tai họa của biển (perrils of the sea) là những tai nạn xảy ra đối với con tàu ở ngoài biển, như : tàu bị mắc cạn, đắm, cháy, nổ, đâm va nhau, đâm va phải đá ngầm, đâm va phải vật thể khác, tàu bị lật úp, bị mất tích. Nhưng rủi ro này được gọi là những rủi ro chính (major casualties).
- Các tai nạn bất ngờ khác là những thiệt hại do tác động ngẫu nhiên bên ngoài không thuộc những tai họa của biển nói trên. Tai nạn bất ngờ khác có thể xảy ra trên biển (nhưng nguyên nhân không phải là một tai họa của biển), trên bộ, trên không, trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận, lưu kho, bảo quản hàng hóa, như hàng bị vỡ, cong, bẹp, thối, hấp hơi, thiếu hụt, mất trộm, mất cắp, không giao hàng… Những rủi ro này được gọi là rủi ro phụ (extraneous risk).
- Rủi ro do các hiện tượng chính trị, xã hội hoặc do lỗi của người được bảo hiểm gây nên, như : các risk chiến tranh (chiến tranh, nội chiến, khởi nghĩa, hành động thù địch hoặc tàu và hàng bị bắt, bị tịch thu, bị chiếm giữ, thiệt hại do bom, mìn, ngư lôi…), rủi ro đình công (đình công, cấm xưởng, ngừng trệ lao động, bạo động, nổi loạn của dân chúng hoặc do hành vi của người đình công, công nhân bị cấm xưởng…) và các hoạt động khủng bố hoặc do người khủng bố gây ra.
- Rủi ro do bản chất hoặc tính chất đặc biệt của đối tượng bảo hiểm hoặc những thiệt hại mà nguyên nhân trực tiếp là chậm trễ.
b) Xét về mặt bảo hiểm có thể phân ra :
- Rủi ro thông thường được bảo hiểm : là các rủi ro được bảo hiểm một cách bình thường theo các điều kiện bảo hiểm gốc : A, B hoặc C. Đây là những rủi ro có tính chất bất ngờ, ngẫu nhiên, xảy ra ngoài ý muốn của người được bảo hiểm, như : thiên tai, tai họa của biển, tai nạn bất ngờ khác, tức là gồm cả rủi ro chính và rủi ro phụ.
- Rủi ro phải bảo hiểm riêng : là những rủi ro mà muốn được bảo hiểm thì phải thỏa thuận thêm, thỏa thuận riêng chứ không được bồi thường theo các điều kiện bảo hiểm gốc A, B, C. Loại rủi ro này bao gồm rủi ro chiến tranh, rủi ro đình công, khủng bố, được bảo hiểm theo các điều kiện bảo hiểm riêng.
- Rủi ro không được bảo hiểm (excluded risks) : là những rủi ro không được người bảo hiểm nhận bảo hiểm hoặc không được người bảo hiểm bồi thường trong mọi trường hợp. Đó là rủi ro đương nhiên xảy ra, chắc chắn xảy ra, hoặc có thiệt hại do nội tỳ, bản chất của hàng hóa, do lỗi của người được bảo hiểm, thiệt hại mà nguyên nhân trực tiếp là chậm trễ, những rủi ro có tính chất thảm họa mà con người không lường trước được quy mô, mức độ và hậu quả của nó.
3 - Tổn thất trong bảo hiểm hàng hóa.
3.1. Khái niệm về tổn thất
Tổn thất (loss, damage) là những thiệt hại, hư hỏng, mất mát của đối tượng bảo hiểm do rủi ro gây ra. Nếu rủi ro là mối đe dọa, là nguyên nhân gây ra tổn thất thì tổn thất là cái đã xảy ra rồi và là hậu quả của rủi ro.
3.2. Phân loại tổn thất
3.2.1. Căn cứ vào mực độ của tổn thất có thể phân ra :
a) Tổn thất bộ phận (partial loss) là một phần của đối tượng bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm bị hư hỏng, mất mát, thiệt hại. Tổn thất bộ phận có thể thể hiện về số lượng, trọng lượng, phẩm chất, giá trị, ví dụ : lô hàng có 10 kiện kính bị vỡ 3 kiện, lô hàng phân bón bị thiếu hụt 330 kg, hàng bị hư hỏng và biên bản giám định ghi là giảm giá trị thương mai 10%...
b) Tổn thất toàn bộ (total loss) là toàn bộ đối tượng bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm bị hư hỏng, mất mát, thiệt hại.
Tổn thất toàn bộ có hai loại :
- Tổn thất toàn bộ thực sự (actual total loss) là toàn bộ đối tượng bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm, bị hư hỏng, mất mát, thiệt hại hoặc bị biến chất, biến dạng không còn như lúc mới bảo hiểm nữa hay bị mất đi, bị tước đoạt đi không lấy lại được nữa.
Ví dụ : một lô hàng bị hư hỏng và biên bản giám định ghi là giảm giá trị thương mại 10%, lô xà phòng bánh bị nóng chảy thành từng tảng không còn nguyên dạng như lúc ban đầu, hàng bị mất do tàu bị đắm hoặc bị mất tích…
Trong trường hợp tổn thất toàn bộ thực sự, người bảo hiểm phải bồi thường toàn bộ giá trị bảo hiểm hoặc số tiền bảo hiểm.
- Tổn thất toàn bộ ước tính (constructive total loss) là thiệt hại, mất mát của đối tượng bảo hiểm có thể chưa tới mức độ tổn thất toàn bộ, nhưng đối tượng bảo hiểm bị từ bỏ một cách hợp lý, bởi vì tổn thất toàn bộ thực sự, xét ra, không thể tránh khỏi, hoặc có thể tránh được nhưng phải bỏ ra một chi phí vượt quá giá trị của đối tượng bảo hiểm sau khi đã bỏ ra chi phí.
Trong thực tiễn bảo hiểm hàng hải thường xảy ra các trường hợp sau đây :
a) Một tàu chở gạo đang trên đường về cảng đích thì gặp bão. Khi ghé vào cảng để lánh nạn thì gạo đã ướt hết. Nếu cứ tiếp tục chở về cảng để thì gạo sẽ hỏng hết, tức là sẽ xảy ra tổn thất toàn bộ thực sự và người bảo hiểm phải bồi thường toàn bộ.
b) Hoặc có trường hợp tàu chở sắt thép, đi dọc đường bị tai nạn, phải ghé vào một cảng lánh nạn và không tiếp tục hành trình được nữa. Mặc dù sắt thép chưa bị hư hỏng thì những chi phi dỡ hàng lên bờ, thuê tàu khác chở tiếp, xếp hàng xuống tàu, lưu kho, lưu bãi… vượt quá giá trị của sắt thép tại cảng đến sau khi đã chở đến.
c) Hoặc trong bảo hiểm thân tàu, có trường hợp tàu bị tai nạn và hư hỏng nặng đến nỗi chi phí sửa chữa tàu lại lớn hơn giá trị của tàu sau khi sửa chữa xong.
Trong các trường hợp trên, nếu cứ tiếp tục hợp đồng một cách bình thường thì về mặt tài chính đều không có lợi cho cả người bảo hiểm lẫn người được bảo hiểm, vì tổn thất toàn bộ thực sự hoặc tương tự chắc chắn xảy ra. Để cứu vớt hàng hóa và bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên trong các trường hợp trên, luật bảo hiểm hàng hải của các nước đều quy định có thể coi đó là tổn thất toàn bộ (mặc dù đối tượng bảo hiểm mới bị tổn thất bộ phận hoặc thậm chí chưa bị tổn thất) với điều kiện là người được bảo hiểm phải từ bỏ (abandon) đối tượng bảo hiểm đó cho người bảo hiểm. Tổn thất toàn bộ trong trường hợp này gọi là tổn thất toàn bộ ước tính hay tổn thất coi như toàn bộ. Như vậy, muốn được coi là tổn thất toàn bộ ước tính thì phải có hành động từ bỏ hàng. Từ hỏ hàng là một hành động của người tđược bảo hiểm từ bỏ mọi quyền lợi của mình đối với hàng hóa cho người bảo hiểm trong trường hợp tổn thất toàn bộ ứơc tính để được bồi thường toàn bộ. Khi từ bỏ hàng thì sở hữu về hàng sẽ chuyển sang người bảo hiểm và người bảo hiểm có quyền định đoạt hàng hóa đó. Nếu người bảo hiểm chấp nhận (cũng có nước quy định không cần chấp nhận) thì người bảo hiểm phải bồi thường toàn bộ giá trị bảo hiểm hoặc số tiền bảo hiểm và hiển nhiên người bảo hiểm có thể bán hàng hóa đó đi để thu về một phần tiền. Tuy nhiên việc từ bỏ phải được làm bằng văn bản, từ bỏ một cách vô điều kiện và hợp lý, từ bỏ rồi thì không được rút lui. Người bảo hiểm có thể từ chối (không chấp nhận) từ bỏ hàng. Việc từ chối này của người bảo hiểm không phương hại đến quyền đòi bồi thường của người được bảo hiểm. Sự im lặng của người được bảo hiểm không được coi là chấp nhận hay từ bỏ hàng. Khi có tổn thất toàn bộ ước tính, người được bảo hiểm phải theo dõi để nắm một cách chính xác tình hình tổn thất của hàng hóa, tính toán thiệt hơn để từ bỏ hàng một cách hợp lý, mới được chấp nhận.
3.2.2. Căn cứ vào tính chất của tổn thất, có thể phân ra :
3.2.2.1. Tổn thất chung (general average)
a - Khái niệm và các đặc trưng của tổn thất chung
Tổn thất chung là một khái niệm có từ lâu đời trong ngành hàng hải. Gọi là tổn thất chung bởi vì có một hay nhiều quyền lợi (interest) đã hy sinh vì an toàn chung cho toàn bộ hành trình trên biển, tức là để cứu các quyền lợi khác trong hành trình đó thoát khỏi một sự nguy hiểm chung. Chẳng hạn một con tàu chở hàng đang đi trên biển thì gặp bão. Thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu tìm mọi cách chống đỡ với cơn bão nhưng bão ngày càng to và tàu có nguy cơ bị đắm. Thuyền trưởng quyết định vứt bớt một số hàng để cho tàu nhẹ bớt và tàu đã qua được cơn bão. Vấn đề đặt ra là những chủ hàng có hàng bị hy sinh như thế, phải chịu thiệt một mình hay các quyền lợi khác trên tàu (chủ tàu, các chủ hàng khác, chủ cước phí) phải cùng đóng góp. Từ lâu trong ngành hàng hải đã hình thành một nguyên tắc là khi một quyền lợi hy sinh vì các quyền lợi khác ở trên tàu thì các quyền lợi khác đó phải có trách nhiệm đóng góp vào sự hy sinh chung đó. Thiệt hại do việc vứt hàng xuống biển như vậy gọi là tổn thất chung. Hành động vứt hàng xuống biển gọi là hành động tổn thất chung (general average act). Như vậy tổn thất chung là những hy sinh hay chi phí đặc biệt được tiến hành một cách cố ý và hợp lý nhằm mục đích cứu tàu, hàng hóa và cước phí chở trên tàu thoát khỏi một sự nguy hiểm chung, thực sự đối với chúng.
Muốn có tổn thất chung phải có hành động tổn thất chung. Có hành động tổn thất chung khi và chỉ khi có sự hy sinh hoặc chi phí bất thường (extraordinary) được tiến hành một cách cố ý và hợp lý vì an toàn chung nhằm mục cứu các tài sản khỏi một tai họa trong một hành trình chung trên biển.
Một thiệt hại, chi phí hoặc một hành động muốn được coi là tổn thất chung phải có các đặc trưng sau đây :
- Hành động tổn thất chung phải là hành động tự nguyện, hữu ý của thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu.
- Hy sinh, hoặc chi phí phải là đặc biệt, phi thường.
- Hy sinh, hoặc chi phí phải hợp lý và vì an toàn chung (common safety) cho tất cả các quyền lợi trong hành trình.
- Tai họa phải thực sự xảy ra và nghiêm trọng.
- Mất mát, thiệt hại hoặc chi phí phải là hậu quả trực tiếp của hành động tổn thất chung.
- Xảy ra ở trên biển.
b - Nội dung của tổn thất chung.
Tổn thất chung bao gồm hai mặt cơ bản là hy sinh tổn thất chung (g/a sacrifices) và chi phí tổn thất chung (g/a expenditure). Hy sinh tổn thất chung là những thiệt hại hoặc chi phí do hậu quả trực tiếp của một hành động tổn thất chung, như : thiệt hại do vứt hàng xuống biển vì an toànc hung, đốt vật phẩm trên tàu để thay nhiên liệu, tự ý cho tàu mắc cạn để tránh một tai nạn, thiệt hại do máy tàu làm việc quá sức để rút tàu ra khỏi bãi cạn… Chi phí tổn thất chung là những chi phí phải trả cho người thứ ba trong việc cứu tàu, hàng, cước phí thoát nạn hoặc chi phí làm cho tàu tiếp tục hành trình. Chi phí tổn thất chung bao gồm :
- Chi phí cứu nạn (salvage remuneration).
- Chi phí làm nổi tàu khi đã bị mắc cạn, chi phí thuê kéo, lái, dắt tàu khi bị nạn.
- Chi phí tại cảng lánh nạn (expenses at port of refuge), như chi phí ra, vào cảng lánh nạn, chi phí dỡ hàng, nhiên liệu… vì an toàn chung hoặc để sửa chữa tạm thời, chi phí tái xếp hàng, lưu kho hàng hóa, tiền lương của thuyền trưởng và thuyền viên, lương thực thực phẩm, nhiên liệu tiêu thụ tại cảng lánh nạn. Nếu tàu bị từ bỏ hoặc không tiếp tục hành trình được nữa thì tiền lưu kho hàng hóa, tiền lương của thuyền trưởng và thuyền viên, lương thực thực phẩm, nhiên liệu, cảng chi phí được công nhận là tổn thất chung cho đến ngày tàu bị từ bỏ hoặc ngày dỡ xong hàng, nếu ngày dỡ xong hàng xảy ra sau.
- Tiền lãi của số tiền được công nhận là tổn thất chung, với lãi suất là 7%/ năm được tính cho đến hết 3 tháng sau ngày phát hành bản phân bổ tổn thất chung (g/a adjustment).
c - Thủ tục, giấy tờ liên quan đến tổn thất chung.
Khi xảy ra tổn thất chung, chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải tiến hành một số công việc sau :
- Tuyên bố tổn thất chung (General Average Declaration Letter).
- Mời giám định viên để giám định tổn thất của tàu và hàng, nếu có.
- Gửi các chủ hàng Bản cam đoan đóng góp tổn thất chung (Average Bond). Giấy cam đoan đóng góp tổn thất chung (Average Guarantee) để chủ hàng và người bảo hiểm điền vào và xuất trình khi nhận hàng.
- Chỉ định một chuyên viên tính toán, phân bổ tổn thất chung (Average Adjuster).
- Làm kháng nghị hàng hải (Seaprotest), nếu cần…
Chủ hàng phải làm các việc sau :
- Kê khai giá trị hàng hóa nếu chủ tàu yêu cầu.
- Nhận Average Bond và Average Guarantee, điền vào và đưa cho Công ty bảo hiểm (Công ty bảo hiểm sẽ ký vào Average Guarantee và trả lại chủ hàng để nhận hàng). Nếu hàng không được bảo hiểm thì chủ hàng phải ký quỹ bằng tiền mặt (cash deposit) hoặc xin bảo lãnh của ngân hàng (Bank Gearantee), lúc đó thuyền trưởng mới giao hàng. Số tiền ký quỹ thường bằng số tiền phải đóng góp tổn thất chung dự tính. Nói chung, khi có tổn thất chung xảy ra, người được bảo hiểm phải báo cho Công ty bảo hiểm biết để Công ty bảo hiểm hướng dẫn làm thủ tục, không tự ý ký vào Average Bond.
d - Luật lệ giải quyết tổn thất chung
Khi đó tổn thất chung, các quyền lợi trong hành trình có trách nhiệm đóng góp vào tổn thất chung. Nhưng phân bổ, đóng góp như thế nào, theo luật lệ, quy tắc nào thì các bên phải thỏa thuận trong hợp đồng vận tải. Cho đến nay, hầu như tất cả các vận đơn đường biển và hợp đồng thuê tàu đều quy định (trong điều khoản General Average) là khi có tổn thất chung xảy ra sẽ giải quyết theo Quy tắc York-Antwerp (York-Antwerp Rules). Sơ dĩ gọi là Quy tắc York - Antwerp vì Quy tắc về tổn thất chung lần đầu tiên được thông qua ở thành phố York (Anh) vào năm 1864 gọi là Quy tắc York (York Rules) và được sử đổi bổ sung tại thành phố Antwerp (Bỉ) năm (1924) và đổi thành Quy tắc York - Antwerp. Quy tắc này đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1950, 1974, 1990 và 1994.
Quy tắc York-Antwerp gồm hai loại điều khoản : "Điều khoản thứ tự chữ cái" (từ A đến Gia Cát Ngọc) và "Điều khoản thứ tự la mã" (từ I đến XXII). Ngoài ra còn có Điều khoản giải thích (Rule of Interpretation) và Điều khoản tối cao (Rul of Paramount). Điều khoản giải thích quy định rằng tổn thất chung sẽ được giải quyết theo các điều khoản chữ cái trừ trường hợp do Điều khoản tối cao và Điều khoản đánh bằng số quy định khác. Điều khoản tối cao nói rằng trong mọi trường hợp chỉ được thừa nhận là tổn thất chung khi các chi phí và hy sinh được chi ra một cách hợp lý. Các điều khoản đánh số bằng chữ cái quy định những vấn đề chung nhất về tổn thất chung, các nguyên tắc tính toán, phân bổ tổn thất chung… Các điều khoản đánh bằng số la mã quy định các trường hợp hy sinh và chi phí tổn thất chung cụ thể.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét