Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

BAI VIET DANH CHO SINH VIEN CAO HOC BAI SO 1

1.1 TUYÊN BỐ SỨ MỆNH CỦA TỔ CHỨC Mục đích của tuyên bố sứ mệnh là gì? Một bản tuyên bố sứ mệnh nêu lên mục đích hoạt động cơ bản của một tổ chức. Tuyên bố mang một cái nhìn dài hạn và nêu lên lý do cho sự tồn tại của hãng. Chức năng của tuyên bố là nhằm hướng dẫn các cổ đông, khách hàng và nhân viên của hãng về định hướng tổng thể và căn nguyên cơ sở của tổ chức. Xây dựng một bản tuyên bố sứ mệnh như thế nào? Một bản tuyên bố sứ mệnh cần phải nhất quán với lịch sử của tổ chức, bao gồm các thành tích trong quá khứ, văn hóa tổ chức, các đặc tính và các chính sách cơ bản. Một tổ chức mới sẽ phải xem xét tới lịch sử của ngành mà họ có ý muốn gia nhập cũng như mục đích mà họ mong muốn thực hiện. Các tuyên bố sứ mệnh thành công sẽ phải nhấn mạnh được các lĩnh vực mà một tổ chức có các thế mạnh và nguồn lực lớn nhất. Các yếu tố chính của một bản tuyên bố sứ mệnh là gì? Một bản tuyên bố sứ mệnh phải • Có ý nghĩa đối với cơ sở khách hàng của tổ chức. Các tổ chức phải thường xuyên nắm được nhóm khách hàng của họ là ai và các nhu cầu cần thiết của họ là gì. • Mang tính thực tế và có thể đạt tới được. Các tuyên bố sứ mệnh không thực tế sẽ khiến tổ chức sớm thất bại. • Phải mang tính kích thích và truyền cảm hứng. Một tuyên bố sứ mệnh mang tính kích thích sẽ nâng cao được khả năng sáng tạo và sự cam kết của nhân viên. • Phải rõ ràng và dứt khoát. Các tuyên bố sứ mệnh không rõ ràng sẽ dẫn tới các chiến lược tổ chức bị phân tán và không thành công. Ví dụ 1.1 Một công ty sản xuất điện lực độc lập nói rằng sứ mệnh của họ bao gồm bốn giá trị trung tâm: Sự minh bạch: Hành động một cách minh bạch và trân trọng các cam kết. Sự công bằng: Đối xử một cách công bằng với các nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, và tổ chức chính phủ và cộng đồng là nơi mà ở đó tổ chức hoạt động. Thú vị: Tạo ra và duy trì một bầu không khí để sao cho các nhân viên cảm thấy vui vẻ nhằm nâng cao các kỹ năng của họ trong khi làm việc. Trách nhiệm xã hội: Thực hiện các dự án đem lại lợi ích cho xã hội, ví dụ như giảm chi phí cho khách hàng, tăng mức độ an toàn và tin cậy, tăng việc làm, và vì một môi trường sạch hơn. Ví dụ 1.2 Một công ty dầu mỏ có tốc độ phát triển nhanh nói rằng sứ mệnh của họ là tạo ra giá trị bằng cách bổ sung các kho dự trữ xăng dầu lớn trong khi giảm thiểu rủi ro địa chất và tận dụng chuyên môn của đội ngũ nhân sự. Ví dụ 1.3 Một công ty từng đưa giới thiệu cơ sở dữ liệu thông tin sản phẩm điện tử độc lập đầu tiên sử dụng hệ thống đánh số theo Mã Sản phẩm Toàn cầu (UPC) tiêu chuẩn ngành tuyên bố rằng sứ mệnh của họ là cung cấp các dịch vụ và công nghệ quản lý hàng hóa điện tử chất lượng cho ngành bán lẻ. 1.2 QUÁ TRÌNH QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC Về cơ bản, quản trị chiến lược có thể được chia thành ba giai đoạn: hoạch định chiến lược và hình thành chiến lược, triển khai chiến lược, và đánh giá chiến lược. Giai đoạn hoạch định chiến lược và hình thành chiến lược bao gồm các bước sau đây: 1. Xác định triết lý dẫn dắt, mục đích, và sứ mệnh của tổ chức. 2. Đặt ra các mục tiêu lâu dài nhằm đạt được sứ mệnh. 3. Lựa chọn chiến lược để đạt được các mục tiêu lâu dài. Giai đoạn triển khai liên quan tới việc sắp xếp cấu trúc tổ chức, các hệ thống và các quá trình với chiến lược đã chọn. Trong giai đoạn này, nhà quản trị ra các quyết định về: 1. Xây dựng cấu trúc tổ chức, lựa chọn phong cách lãnh đạo, và bố trí các hệ thống kích thích nhằm đạt được chiến lược. 2. Đặt ra các mục tiêu dài hạn, xây dựng ngân sách, và xây dựng các chiến lược chức năng nhằm thực hiện được chiến lược. Giai đoạn đánh giá chiến lược, hoặc đôi lúc còn được gọi là đánh giá và kiểm soát chiến lược, bao gồm các hoạt động sau đây: 1. Đặt ra các tiêu chuẩn hoạt động cho toàn tổ chức và các đơn vị, bộ phận chức năng khác nhau. 2. Giám sát tiến độ thực thi chiến lược của tổ chức. Hoạt động này đòi hỏi phải đánh giá và đo lường việc triển khai các chiến lược mà các đơn vị khác nhau thuộc tổ chức theo đuổi. 3. Thực hiện hành động khắc phục nhằm đảm bảo liên tục duy trì cam kết triển khai chiến lược. Việc thực hiện các hành động khắc phục đòi hỏi phải gửi dữ liệu phản hồi kịp thời tới các nhà quản lý các đơn vị khác nhau thuộc tổ chức, các nhà quản trị lãnh đạo, và thành viên của ban giám đốc. Mục đích của chiến lược tổ chức là gì? Mục đích của một chiến lược tổ chức là nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong tuyên bố sứ mệnh. Việc này được thực hiện bằng cách xây dựng một kế hoạch hợp lý, tận dụng mọi thế mạnh và nguồn lực của tổ chức. Một chiến lược tổ chức phải đưa ra được định hướng cho các hoạt động và nguồn nhân lực của tổ chức đó trong khuôn khổ các mục tiêu đề ra trong tuyên bố sứ mệnh. Một tổ chức cần phải xây dựng một chiến lược như thế nào để thực hiện được sứ mệnh của mình? Chiến lược tổ chức phải được xây dựng cho từng lĩnh vực chức năng trong tuyên bố sứ mệnh của tổ chức. Các chiến lược được đề ra phải có 1. Một mục đích rõ ràng 2. Các kết quả kỳ vọng đo lường được 3. Các kế hoạch dự phòng trong trường hợp chiến lược chính không thể được triển khai 4. Chi phí và lợi ích Xây dựng chiến lược tổ chức sử dụng phân tích Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội và Thách thức (S.W.O.T). Sử dụng phân tích SWOT là việc kết hợp đánh giá về môi trường với phân tích về các nguồn lực và khả năng nội bộ của tổ chức. Mục tiêu chính là nhằm đi tới một chiến lược phù hợp giữa thế mạnh và cơ hội, loại bỏ hoặc né tránh các thách thức, và khắc phục hoặc tránh các điểm yếu. Các yếu tố được phân tích trong môi trường của tổ chức bao gồm các biến số sau đây: 1. Văn hóa 2. Nhân khẩu học 3. Công nghệ kinh tế 4. Quan hệ công chúng của tổ chức a. các bên góp vốn bao gồm cổ đông, chủ nợ, ngân hàng đầu tư và bên bảo hiểm b. các bên cung cấp nguyên, vật liệu và các thành phần đi kèm c. khách hàng d. nguồn nhân lực e. đối thủ cạnh tranh f. các chủ thể chính phủ và luật pháp, bao gồm các tổ chức điều tiết g. các nhóm vận động lợi ích đặc biệt Phân tích SWOT cho phép nhà quản lý xây dựng một kế hoạch chiến lược bằng cách kiểm tra các thế mạnh và điểm yếu của tổ chức trong tương quan với thách thức và cơ hội từ các yếu tố môi trường của tổ chức. Các chiến lược và quyết định chiến thuật sau đó có thể tạo được một lợi thế cạnh tranh. Việc phân tích chiến lược tìm kiếm điều gì? Phân tích chiến lược tìm cách hiểu được vị trí chiến lược của tổ chức. Việc phân tích cần bao quát được môi trường, nguồn lực, mục tiêu, kỳ vọng, và hành vi của tổ chức. Lựa chọn chiến lược phải xét tới khả năng hình thành các hướng hành động, đánh giá hướng hành động, và lựa chọn hướng phù hợp. Triển khai chiến lược là hoạch định xem chiến lược có thể được hiện thực hóa như thế nào. Việc triển khai ảnh hưởng tới mọi phương diện của hệ thống tổ chức. Cụ thể hơn, việc phân tích chiến lược liên quan tới việc hiểu rõ về vị trí chiến lược của tổ chức và từ đó tìm cách phân tích Sứ mệnh - Doanh nghiệp chúng ta đang ở trong đâu? Tại sao doanh nghiệp ta lại tồn tại? Hệ thống giá trị của doanh nghiệp ta là gì? Mục đích - Mục đích phản ánh sự liên quan cụ thể giữa sứ mệnh và các bên liên quan khác nhau. Mục tiêu - Là hiện thân của sứ mệnh, các mục tiêu có thể lượng hóa được và được sử dụng để đo lường hiệu suất thực sự. Môi trường bên ngoài - Phân tích này phải rà soát môi trường, tìm các yếu tố liên quan tới hoạt động hiện tại và trong tương lai của tổ chức. Đánh giá nội bộ và kiểm định vị trí - Đây là đánh giá về thực trạng của một tổ chức về các phương diện nguồn lực, tài sản, cơ sở vật chất, và các giá trị hiệu suất. Đánh giá doanh nghiệp - Đây là đánh giá về các Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội và Thách thức (SWOT) liên quan tới các yếu tố thuộc môi trường. Phân tích khoảng trống -Công tác này bao hàm việc xác định khoảng trống giữa vị trí hiện nay và vị trí trong tương lai mà ta suy diễn ra, và vị trí mà ta mong muốn. Lựa chọn chiến lược thích hợp và thành lập đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) - Doanh nghiệp cần được xác định trên các khía cạnh thị trường, cụ thể, về nhu cầu và nhóm khách hàng. Hơn nữa, cần chỉ được sự khác biệt giữa định nghĩa một thị trường mục tiêu với định nghĩa một thị trường chiến lược. Ví dụ, một thị trường mục tiêu đối với con đường ray có thể là một xe kéo chở hàng, nhưng thị trường chiến lược có thể lại là việc vận chuyển người hoặc hàng hóa nào đó. Một doanh nghiệp cũng có thể được xác định theo nhóm khách hàng, nhu cầu của họ, và công nghệ cần thiết để thỏa mãn các nhu cầu đó. Hãng lớn sẽ kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Do đó, khái niệm về đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) trở nên hữu ích cho công tác hoạch định chiến lược bởi các hãng lớn. SBU là một đơn vị kinh doanh (hoặc nhóm), có thể thực hiện hoạch định riêng rẽ. SBU cũng có đối thủ cạnh tranh của riêng mình và một nhà quản lý tham gia vào công tác hoạch định chiến lược, chịu trách nhiệm về các nhân tố quyết định chính về lợi nhuận. Việc xác định thế mạnh của mỗi SBU xét đối với thị trường tiềm năng và trị trí kinh doanh của SBU tại các thị trường đó được gọi là quản lý danh mục kinh doanh. Triển khai các kế hoạch chiến lược - chiến lược đã chọn phải được xuyên suốt qua khắp cấu trúc tổ chức, thông qua việc xây dựng các kế hoạch ở cấp thấp hơn sao cho phù hợp với kế hoạch ở cấp cao hơn. Quá trình này có khả năng thành công nhất nếu cấu trúc tương thích với công tác hoạch định chiến lược, nhân sự có năng lực cần thiết, văn hóa tổ chức có lợi hoặc có thể được thay đổi, và có công tác kiểm soát để tạo điều kiện cho việc triển khai. Ba cấp độ của hoạch định là gì? Chúng có mối quan hệ như thế nào? Nhìn chung, có ba cấp độ chiến lược: chiến lược doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, và chiến lược chức năng. Chiến lược doanh nghiệp xác định hãng kinh doanh (những) ngành gì hoặc nên kinh doanh những ngành gì, và các ngành này liên kết với nhau như thế nào. Chiến lược kinh doanh xác định xem mỗi doanh nghiệp kinh doanh cần nỗ lực đạt được sứ mệnh của mình trong lĩnh vực hoạt động đã chọn như thế nào. Chiến lược chức năng điều chỉnh xem các chức năng khác nhau của doanh nghiệp (marketing, sản xuất, bán hàng, tài chính, QLNNL, CNTT....) hỗ trợ chiến lược doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh như thế nào. Đối ứng với các cấp độ chiến lược này là ba cấp độ hoạch định: hoạch định chiến lược, hoạch định sách lược, và hoạch định nghiệp vụ. Hoạch định chiến lược xác định các mục tiêu của tổ chức, thay đổi các mục tiêu này, các nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu này, và các chính sách chi phối hoạt động mua sắm, sử dụng, và định đoạt các nguồn lực nói trên. Hoạch định sách lược đảm bảo các nguồn lực được tập hợp và sử dụng một cách hiệu quả và năng suất, hoàn thành đúng các mục tiêu của tổ chức. Hoạch định nghiệp vụ đảm bảo từng tác vụ cụ thể được tiến hành một cách hiệu quả và năng suất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét